Thứ Ba | 05/08/2014 08:59

Sóng gió 14 năm cầm quyền của Putin

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine chỉ là một trong chuỗi thách thức tài điều hành của Tổng thống Vladimir Putin trong suốt 14 năm làm lãnh đạo nước Nga.
Ông Putin được xem là nhà lãnh đạo thế giới dày dặn kinh nghiệm chính trị. Bởi trong 14 năm làm chính trị gia hàng đầu nước Nga, ông đã đối mặt với không ít cuộc khủng hoảng từ lớn tới nhỏ. Một điều không thể phủ nhận là đứng trước bất cứ cuộc khủng hoảng nào, Tổng thống Putin vẫn luôn biết cách xử lý mà không mất bình tĩnh.

Dưới đây là 10 cuộc khủng hoảng mà Tổng thống Putin từng phải giải quyết được tờ Global Post lựa chọn:

Thảm họa Y2K

GAFIN

Nhắc tới sự kiện Y2K, nhiều tin đồn cho rằng thế giới đối mặt với ngày tận thế vào năm 2000. Nhưng thực tế, không một chiếc máy bay nào rơi khỏi bầu trời và các tài khoản ngân hàng cũng không hề biến mất đầy bí ẩn như lời đồn đoán.

Tuy nhiên, một sự kiện đặc biệt đã xảy ra tại điện Kremlin. Vào đúng đêm Giao thừa năm 1999, ông Putin được giao một công việc khó nhằn trở thành quyền Tổng thống từ một nhà lãnh đạo ốm yếu và ngày càng mất dần thế lực, Boris Yeltsin. Vào thời điểm đó, ông Yeltsin được xem là vị tổng thống đứng đầu một bộ máy chính quyền lỏng lẻo và đầy tham nhũng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Tai nạn chìm tàu ngầm Kursk

GAFIN

Ngày 12/8/2000, chỉ sau 4 tháng Tổng thống Putin chính thức tuyên thệ nhậm chức, chiếc tàu ngàm Kursk đã bốc cháy và bị đắm tại vùng biển Barents. Toàn bộ 118 thủy thủ trên tàu đều thiệt mạng. Cả nước Nga tổ chức ngày quốc tang.

Đây cũng chính là sự kiện chấm dứt quãng thời gian "trăng mật" trong thời kỳ đầu nhậm chức của Tổng thống Putin. Tuy nhiên, vào thời điểm này, ông Putin lại đang có chuyến công tác tới Biển Đen và không kịp quay trở về Moscow trong vòng 4 ngày để tham gia cùng ban lãnh đạo xử lý thảm họa đắm tàu ngầm Kursh.

Trong vòng 1 tuần sau thảm họa, Hải quân Nga đã từ chối lời mọi đề nghị giúp đỡ của chính phủ nước ngoài. Động thái này đã làm bùng phát làn sóng phản đối trong dư luận Nga khi mà một số nguồn tin cho rằng ít nhất 23 thủy thủ đã may mắn sống sốt sau vụ nổ và đang chờ được cứu hộ.

Vụ đắm tàu ngầm Kursh đã khiến niềm tin của người dân Nga đối với Tổng thống Putin sụt giảm. Theo kết quả một cuộc điều tra được tiến hành sau 1 tuần xảy ra thảm họa chìm tàu ngầm, 65% số người được hỏi cho biết họ đồng tình với cách xử lý của Tổng thống. Con số này đã giảm từ mức 73% so với hồi cuối tháng 7/2000.
Tấn công nhà hát Moscow

GAFIN

Ngày 23/10/2002, khoảng 40 tay súng nổi dậy Chechnya đã tiến hành bao vây và bắt giữ toàn bộ số khán giả trong nhà hát Dubrovka tại Moscow làm con tin. Theo đó, hơn 800 người đã bị các tay súng Chechnya bắt giữ trong vòng 2 ngày rưỡi. Phiến quân Chechnya cũng đã đưa ra yêu cầu buộc quân đội Nga rút lui khỏi Cộng hòa Chechnya – vùng đất đấu tranh đòi quyền độc lập sau 2 cuộc chiến kéo dài gần 1 thập niên.

Tuy nhiên Tổng thống Putin đã dứt khoát không đàm phán với những kẻ khủng bố. Thay vào đó, các đơn vị đặc nhiệm Nga được điều động bao vây nhà hát và bơm hơi độc thần kinh thông qua hệ thống đường ống thoát khí. Vấn đề duy nhất mà cả quân đội Nga và các nhân viên y tế không tiết lộ cho báo giới đó là loại khí độc được bơm vào rạp hát.

Kết quả là toàn bộ 40 tay súng nổi dậy Chechnya đã bị tiêu diệt khi bị quân đội Nga bắn hạ trong lúc gần như bất tỉnh vì hít phải khí độc thần kinh. Ngoài ra, 130 con tin cũng đã thiệt mạng dưới tác động của khí độc.

Nhiều tin đồn cho rằng các cơ quan an ninh Nga đã đồng lõa tham gia vào vụ tấn công tiêu diệt các tay súng Chechnya nhưng không ai đưa ra được bằng chứng xác thực.

Sau cuộc tấn công giải cứu tại nhà hát Moscow, Tổng thống Putin tiếp tục thẳng tay đàn áp phiến quân Chechnya cũng như giới hạn nguồn tin đăng tải đối với giới truyền thông Nga. Điển hình, NTV, một đài truyền hình Nga đã làm trái với chỉ đạo của điện Kremlin khi cho đăng tải hàng loạt lời chỉ trích chính phủ. Vào tháng 1/2003, người đứng đầu NTV đã bị sa thải và đài truyền hình này buộc phải ngừng hoạt động.

Bắt cóc con tin tại trường học Beslan

GAFIN

Cuộc chiến giữa Nga và quân ly khai Chechnya lại tái diễn với hậu quả thảm khốc hơn vào ngày 1/9/2004. Ngay trong ngày khai trường tại Beslan, một thị trấn phía bắc Caucasus, các tay súng Chechnya đã bao vây ngôi trường và bắt giữ hơn 1.000 người với 3/4 con tin là trẻ em.

Một lần nữa, lực lượng ly khai yêu cầu Nga công nhận nền độc lập của Cộng hòa Chechnya. Tuy nhiên, các lực lượng an ninh Nga đã xông vào tòa nhà, nơi các tay súng Chechnya giam giữ con tin trong 3 ngày. Kết quả là ít nhất 334 người đã thiệt mạng bao gồm 186 học sinh.

Một lần nữa dư luận lên tiếng chỉ trích khả năng xử lý tình huống của các lực lượng an ninh Nga. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin cũng bị giảm nhẹ từ mức 68% vào tháng Tám xuống còn 66% sau khi xảy ra vụ bắt cóc tại trường học Beslan.
Putin "tự giáng chức" xuống làm Thủ tướng

GAFIN

Theo hiến pháp Nga, ông Putin không thể nắm quyền Tổng thống trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Do đó, vào tháng 3/2008, ông Putin đã chuyển giao quyền Tổng thống cho người kế nhiệm mà chính ông lựa chọn là Dmitry Medvedev.

Ông Putin đã tính toán trước mọi việc và đảm bảo chiếc ghế Thủ tướng do mình nắm giữ. Một điều không thể phủ nhận là thực quyền chưa bao giờ tuột khỏi tay võ sĩ judo này.

Chiến tranh tại Nam Ossetia

GAFIN

Vào tháng 8/2008, tình hình căng thẳng liên tiếp leo thang tại Abkhazia và Nam Ossetia, 2 khu vực ly khai đòi tuyên bố độc lập khỏi Georgia. Trong khi đó, Tổng thống Georgia, Mikheil Saakashvili đã tiến hành nã pháo vào thủ phủ của Nam Ossetia là Tskhinvali. Theo ông Saakashvili, đây là hành động nhằm trả đũa cho một cuộc tấn công của quân đội Nga.

Moscow đã cử binh sĩ tham gia cuộc chiến kéo dài 5 ngày. Kết quả là khu vực Nam Ossetia và Abkhazia vẫn trong tình bất ổn nhưng trên danh nghĩa là hoàn toàn vắng bóng lực lượng khủng bố.

Về cơ bản, đây được xem là một thách thức lớn và cuộc khủng hoảng dành riêng cho Tổng thống mới nhậm chức Dmitry Medvedev. Trong bài phát biểu trước báo giới vào năm 2009, ông Medvede thừa nhận việc cử binh sĩ tới Georgia là "quyết định khó khăn nhất mà ông từng đưa ra".

Thực tế, không ai cảm thấy ngạc nhiên khi biết rằng Thủ tướng Putin cũng là người liên quan tới quyết định điều quân tới Georgia mặc dù vào thời điểm đó, ông Putin đang ở Bắc Kinh.

Làn sóng phản đối trên đường phố Moscow
GAFIN

Vào tháng 12/2011, mọi thứ bắt đầu trở nên xáo trộn khi các cuộc bầu cử quốc hội Nga có sự tham gia của đa số thành viên thuộc Đảng nước Nga thống nhất của ông Putin. Ngoài ra, bản thân ông Putin cũng tuyên bố ý định tranh cử chiếc ghế Tổng thống vào năm 2012.

Do đó, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình yêu cầu chính phủ tổ chức các cuộc bầu cử mang tính công bằng mà một số quan sát viên gọi đây là "Cuộc cách mạng Tuyết".

Làn sóng biểu tình tiếp tục bùng nổ vào tháng 5/2012, ngay trước ngày ông Putin chính thức nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba. Kết quả, hơn 400 người biểu tình bị bắt giam và 30 người bị buộc tội. Cho tới hôm nay, 7 người vẫn đang bị xét xử và chờ tuyên án.

Ban nhạc nổi loạn Pussy Riot

GAFIN

Những kẻ gây rối là 3 cô gái thành viên của nhóm nhạc Pussy Riot gồm Nadezhda Tolokonnikova (23 tuổi), Maria Alyokhina (24 tuổi), và Yekaterina Samutsevich (29 tuổi). Vào ngày 21/2/2012, cả ba đã đeo mặt nạ, mặc áo hở vai và váy ngắn, bước lên bệ thờ của nhà thờ Chúa cứu thế ở Moscow, vừa hát vừa gào một bài ca có câu: "Mẹ Mary xin hãy đuổi Putin đi".

Các thành viên bị bắt giam ngay sau đó và bị đưa ra xét xử từ hôm 30/7 với cáo buộc "quậy phá có động cơ thù hằn hay chống đối tôn giáo". Họ đã bị kết án 2 năm tù. Tuy nhiên, một người đã được thả tự do ngay khi tòa tuyên án.

Dư luận quốc tế đã lên tiếng phản đối quyết định của Tòa án Nga. Song theo bản điều tra hồi tháng 7/2012, 1/3 người dân Nga được hỏi đều cho rằng 3 cô gái này cần phải bị nghiêm trị vì hành động sai trái của mình.

Thế vận hội Sochi 2014

GAFIN

Khoản tiền đầu tư 50 tỷ USD vào Thế vận hội mùa Đông Sochi 2014 của Tổng thống Putin đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận. khi một số phóng viên phàn nàn tại nhiều phòng khách sạn, hệ thống nước nóng, rèm nhà tắm và tay nắm cửa hoàn toàn không được lắp đặt.

Nhân sự kiện Thế vận hội mùa Đông, Tổng thống Putin đã quyết định thả tự do cho các nữ phạm nhân thuộc ban nhạc Pussy Riot. Nhưng ngay sau đó, các cô gái này lại tiếp tục phát động chiến dịch phản đối Olympic tại thành phố Sochi.

Khủng hoảng Ukraine
Các cuộc biểu tình tại Kiev hồi tháng 11 năm ngoái bùng phát khi cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich từ chối ký kết thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) và quay sang thắt chặt quan hệ với Nga. Tình hình căng thẳng khủng hoảng chính trị tại Ukraine leo thang từ tháng 12/2013 – 2/2014, đúng thời điểm Nga tổ chức Thế vận hội Sochi.

Khi làn sóng phản đối tại Kiev dâng cao, ông Yanukovich đã buộc phải chạy sang Nga vào ngày 21/2. Quyền kiểm soát đất nước đã thuộc về lực lượng người biểu tình tại quảng trường Maidan và họ đã thành lập một chính phủ mới.

Trong khi đó, Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine - nơi Hải quân Nga đặt căn cứ, đã quyết định tách khỏi Kiev và sáp nhập vào Nga. Theo đó, vào tháng Ba, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý với kết quả là đa số người dân ủng hộ sáp nhập vào Liên bang Nga.

Những hành động can thiệp của Nga tại Ukraine đã vấp phải sự phản đối của Mỹ và châu Âu. Cả Washington và EU đều áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế nhằm gây khó dễ với Tổng thống Putin.

Điều đáng nói là 83% người dân Nga vẫn tỏ ý đồng thuận với hành động của Tổng thống Putin. Ngay cả trong bối cảnh hiện nay khi chính quyền Kiev đang chiến đấu chống lại quân nổi dậy đòi ly khai tại khu vực miền đông Ukraine. Vụ tai nạn máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia cướp đi sinh mạng của 298 người hôm 17/7 tại miền đông Ukraine cũng không thể giúp tình hình căng thẳng chiến sự tại đây giảm bớt nhiệt.

Tình báo Mỹ cáo buộc quân nổi dậy tại miền đông Ukraine đã dùng hệ thống tên lửa do Nga cung cấp, để bắn hạ MH17. Trong khi, Mỹ và EU tiếp tục áp đặt thêm lệnh trừng phạt tăng cường với Nga.

Giới chuyên gia dự báo càng nhiều cuộc khủng hoảng nảy sinh, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin có thể lên tới 100%.

Nguồn Infonet


Sự kiện