Nước Anh sẽ sống chung với dịch bệnh. Ảnh: FT.
Sống chung với COVID-19 kiểu Anh
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết đang lên kế hoạch cho cả nước sống chung với virus Corona, thay vì tuyên bố đại dịch đã kết thúc. Sau gần 2 năm chống dịch, ông Boris Johnson cho biết, đã đến lúc cả nước phải sống chung với COVID-19 và tuyên bố sẽ chấm dứt các quy định nhằm chống lại dịch bệnh, cũng như việc miễn phí xét nghiệm. Người đứng đầu Chính phủ Anh muốn áp dụng một “đường lối chống dịch” hoàn toàn khác biệt.
Sau khi Nữ hoàng bị dương tính, ông Johnson thông báo tình trạng khủng hoảng y tế của Anh chưa chính thức kết thúc và ông vẫn tìm biện pháp đưa đất nước trở lại bình thường. Tuyên bố này là một bước ngoặt chính trị đối với ông Johnson, đưa chính phủ của ông đi trước hầu hết các quốc gia khác ở châu Âu trở lại cuộc sống bình thường. Kế hoạch mới là ngừng truy vết ca nhiễm thông thường và những người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ không còn phải cách ly nữa.
Việc cung cấp các xét nghiệm miễn phí, hiện được triển khai rộng rãi, sẽ kết thúc vào ngày 1/4 cho tất cả ngoại trừ những trường hợp nặng, buộc mọi người phải trả tiền để xem bản thân họ có nhiễm virus hay không. Trợ cấp đau ốm hỗ trợ những người nhiễm virus cũng sẽ kết thúc vào cuối tháng 3.
Phát biểu trước Quốc hội, ông Johnson cho biết: “Đã đến lúc chúng ta lấy lại niềm tin, không cần luật pháp buộc mọi người phải quan tâm đến người khác, chúng ta có thể dựa vào tinh thần trách nhiệm đối với nhau. Chúng ta hãy học cách sống chung với loại virus này”.
Nhưng ông Johnson cũng nói rằng việc Nữ hoàng nhiễm bệnh là một lời nhắc nhở rằng virus vẫn chưa biến mất. “Nhưng khi đại dịch chưa kết thúc, chúng ta đã vượt qua đỉnh của làn sóng Omicron”, ông cho biết.
Anh cũng đang tranh luận về việc chấm dứt hầu hết các xét nghiệm miễn phí với sự bất đồng giữa các bộ trưởng về chi phí tiếp tục xét nghiệm. Xét nghiệm đã tiêu tốn khoảng 2 tỉ bảng Anh tiền thuế mỗi tháng, tương đương 2,7 tỉ USD. Ông Tim Loughton, một thành viên Đảng Bảo thủ của Anh, cho biết đất nước phải học cách chung sống với COVID-19 chứ không phải khóa chặt mọi thứ cho đến khi nó biến mất. Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho biết mũi tiêm chủng tăng cường thứ 2 sẽ được phân bổ cho người từ 75 tuổi trở lên, những người sống trong viện dưỡng lão và những người từ 12 tuổi trở lên mắc các bệnh suy giảm hệ miễn dịch.
Chiến lược sống chung với COVID-19 của Anh diễn ra trong bối cảnh 2 tuần qua, một loạt quốc gia đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại hoặc nới lỏng các biện pháp hạn chế biên giới, trong đó có cả những nước duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất trên thế giới nhằm khống chế đại dịch COVID-19. Chẳng hạn, Malaysia cũng đã đề nghị Chính phủ mở cửa trở lại cho du khách quốc tế từ tháng 3, khách có thể không phải cách ly, tương tự chính sách của Thái Lan và Singapore. Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Na Uy thông báo bỏ yêu cầu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại điểm đến đối với những du khách đã tiêm vaccine.
Động thái này diễn ra ngay cả khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố số ca mắc mới COVID-19 trên toàn thế giới ở mức cao kỷ lục vào cuối tháng 1 vừa qua, với hơn 4 triệu ca/ngày. Tuy nhiên, nhiều nước đang phát đi dấu hiệu không còn đủ tiềm lực kinh tế hoặc không thể tiếp tục đóng cửa. Mặt khác, các liệu pháp chữa trị COVID-19 đã cho thấy hiệu quả trong việc ngăn ngừa và điều trị các ca bệnh nặng.
Tình hình này trái ngược với tâm dịch Trung Quốc khi hồi đầu tháng 1, thành phố cảng Thiên Tân, Trung Quốc tiến hành đợt xét nghiệm COVID-19 mới với 14 triệu cư dân để truy tìm dấu vết ca nhiễm. Là thành trì cuối cùng với chiến lược “Zero COVID”, Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao trước mùa du lịch Tết Nguyên đán và Thế vận hội mùa đông. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nhiều nước mở cửa trở lại, nếu Trung Quốc theo đuổi chiến lược này đến cùng, có nguy cơ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ bị cô lập trong những năm tới.
Mặc dù Anh đi trước hầu hết các nước trên thế giới, nhưng đa số quốc gia sẽ chưa thấy đại dịch kết thúc. Các nước nghèo vẫn đang chờ đợi vaccine để tiêm cho những người dễ bị tổn thương nhất của họ. Trong khi đó, các quốc gia quyết kiểm soát COVID-19 thì rất ít ca tử vong, nhưng dân số của họ cũng có ít khả năng miễn dịch hơn. WHO đã nói rõ ràng rằng thế giới còn lâu mới có thể xem COVID-19 là loài đặc hữu. Tiến sĩ Elisabetta Groppelli, một nhà virus học tại St George’s, Đại học London, nói: “Đối với thế giới, đây vẫn là một đại dịch”
Nguồn Theo NYT, The Economist