Nguồn ảnh: Herald
SoftBank đã thoát hiểm?
Cách đây vài tháng, Masayoshi Son đã hứng chịu búa rìu dư luận khi SoftBank Group, tập đoàn công nghệ do ông sáng lập, đã báo cáo mức lỗ tồi tệ nhất trong lịch sử 39 năm. Giá cổ phiếu SoftBank lao dốc trong bối cảnh một số khoản đầu tư con cưng của ông như WeWork sụt giảm mạnh về giá trị sau các mức lỗ kỷ lục.
Nhưng vị tỉ phú người Nhật đã thực hiện một cú lội ngược dòng ngoạn mục khi SoftBank báo cáo mức lãi ròng 1.260 tỉ yen (11,8 tỉ USD) trong quý kết thúc vào ngày 30.6.2020, từ mức lỗ 1.440 tỉ yen của quý trước.
Quỹ đầu tư 100 tỉ USD Vision Fund, động lực tăng trưởng chính của SoftBank, cũng ghi nhận mức sinh lời từ đầu tư 296,6 tỉ yen (2,8 tỉ USD) sau mức lỗ 1.130 tỉ yen của quý trước, nhờ thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh đã đẩy giá cổ phiếu của các công ty mà Vision Fund rót vốn như Uber và Slack lần lượt tăng 11% và 16% trong quý vừa qua.
Vision Fund cũng hưởng lợi từ các đợt IPO mạnh mẽ trên thị trường Mỹ. Khoản đầu tư 300 triệu USD của Vision Fund vào hãng phát triển thuốc chống ung thư Relay Therapeutics, chẳng hạn, hiện trị giá hơn 1 tỉ USD sau đợt niêm yết vào tháng 7. Trong số 86 khoản đầu tư, giá trị của 29 khoản nắm giữ đã tăng lên trong khi 48 khoản đầu tư bị sụt giảm, mang đến mức lãi tổng cộng 2 tỉ USD kể từ khi quỹ này được tung ra vào tháng 5.2017.
Trung tuần tháng 3, giữa lúc giá cổ phiếu giảm sâu, SoftBank đã công bố kế hoạch bán ra 4.500 tỉ yen (41 tỉ USD) giá trị tài sản để giảm nợ và mua lại cổ phiếu quỹ.
Đến nay SoftBank đã huy động được 4.300 tỉ yen qua các thương vụ bán cổ phần trong các công ty như T-Mobile, Alibaba Group Holding và công ty viễn thông nội địa của Tập đoàn, hoàn thành 95% kế hoạch đề ra. Qua đó, SoftBank đã giảm được 14 tỉ USD nợ ròng, đồng thời chi 1.000 tỉ yen mua lại cổ phiếu quỹ, giúp đẩy giá cổ phiếu Tập đoàn tăng tới 137%.
Nỗ lực cứu nguy của Son dường như đã mang lại kết quả khả quan nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo. “SoftBank đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. Nhưng chúng ta cũng cần phải quan sát kỹ càng vì tình hình ở SoftBank phụ thuộc rất lớn vào diễn biến thị trường chứng khoán”, Tomoaki Kawasaki, chuyên gia phân tích tại Iwai Cosmo Securities, nhận xét.
Đồng quan điểm, Kirk Boodry, chuyên gia công nghệ tại Redex Holdings, cũng cho rằng vẫn còn quá sớm để hào hứng về đà phục hồi của SoftBank, đặc biệt trước những bất ổn như căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Có thể thấy xung đột giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phủ bóng mây lên khoản đầu tư của Vision Fund vào ByteDance (Trung Quốc), chủ sở hữu ứng dụng nổi tiếng TikTok. Chính phủ Mỹ buộc ByteDance phải bán lại TikTok cho Microsoft và thông tin mới nhất cho thấy Oracle cũng muốn cắm một chân vào thương vụ này.
“Bạn đã chứng kiến lượng tiền kỷ lục bơm vào các thị trường qua chương trình nới lỏng định lượng cũng như sự cải thiện về tính thanh khoản, từ đó đã giúp các thị trường tăng tốc mạnh mẽ trong 4 tháng qua. Quý kết thúc vào tháng 6.2020 là một quý mà SoftBank có thể thở phào nhưng điều đó chưa chứng minh được điều gì”, Boodry nhận định.
Son cũng hiểu rõ SoftBank chưa thực sự thoát hiểm khi tuyên bố: “Vẫn còn quá sớm để nói rằng sẽ chỉ toàn là lợi nhuận tại Vision Fund nhưng mọi việc đang chuyển biến theo hướng tích cực”. SoftBank khuyến cáo dịch bệnh tiếp tục mang đến sự bất ổn, dù đã “nâng đỡ” các khoản đầu tư của Tập đoàn vào các công ty thương mại điện tử và giao nhận thực phẩm, trong khi lại “hạ bệ” các khoản đầu tư vào các ngành khách sạn, nhà hàng.
Son khẳng định SoftBank sẽ vẫn duy trì tâm thế “khủng hoảng chưa chấm dứt” và đảm bảo nguồn tiền vẫn là ưu tiên hàng đầu khi ông đang xem xét việc bán ARM - hãng thiết kế chip của Anh mà SoftBank đã mua cách đây 4 năm với giá 32 tỉ USD - cho tập đoàn chip Mỹ Nvidia. Ông cũng cân nhắc khả năng tiến hành IPO cho ARM sớm hơn thời điểm 2023 như kế hoạch.
Đáng chú ý, Son cho biết sẽ ra mắt một công ty quản lý tài sản mới trị giá 555 triệu USD, hoàn toàn tách biệt với Vision Fund để đa dạng hóa tài sản của Tập đoàn ra khỏi các startup chưa niêm yết sang các cổ phiếu công nghệ có tính thanh khoản cao hơn như Amazon, Apple hay Facebook. SoftBank sẽ sở hữu 67% trong công ty quản lý tài sản mới, trong khi cá nhân Son sẽ sở hữu phần còn lại.
“Là một công ty đầu tư, chúng tôi cần khám phá nhiều góc độ và lĩnh vực khác nhau. Nhưng sự tập trung của chúng tôi vẫn là vào các công ty đang thúc đẩy cuộc cách mạng thông tin. Đây là mục tiêu của chúng tôi”, Son nói.
Atul Goyal, chuyên gia phân tích cấp cao tại Jefferies Group, cũng cho rằng Son có thể sẽ khởi động lại kế hoạch lập quỹ Vision Fund thứ 2 nhờ kết quả lạc quan của Quỹ Vision Fund 1 trong quý vừa qua cùng việc khẩu vị nhà đầu tư thay đổi theo hướng ưa thích rủi ro hơn.
Tháng 7.2019, SoftBank từng gây sốc khi công bố kế hoạch lập quỹ Vision Fund thứ 2 trị giá 108 tỉ USD để đầu tư vào ngành trí tuệ nhân tạo, trong đó SoftBank cam kết rót 38 tỉ USD vào quỹ này. Thế nhưng, Son đã buộc phải hoãn lại giấc mơ Vision Fund 2 sau những va vấp, nhất là ở WeWork. Từng được xem là startup kỳ lân với mức định giá lên tới 47 tỉ USD, WeWork đã ngã ngựa thảm hại. Dù Son vẫn kiên trì giữ gìn khoản đầu tư này, thậm chí rót thêm vốn vào, nhưng mọi thứ đã vỡ vụn vào năm ngoái khi WeWork thua lỗ nặng nề và hủy cả kế hoạch IPO, còn nhà sáng lập WeWork là Adam Neumann cũng phải ra đi.
Son kỳ vọng Vision Fund 2 sẽ lập lại thành công huy động vốn như ở quỹ Vision Fund 1. Vision Fund đầu tiên được Son tung ra vào năm 2017 với quy mô 100 tỉ USD; hơn phân nửa số tiền đến từ các nhà đầu tư lớn như Apple, Qualcomm, Larry Ellison (sáng lập Oracle)… Trong chưa đầy 3 năm, Vision Fund đã rót vốn vào khoảng 90 startup với hơn 75 tỉ USD.
Mới đây, Son cũng khẳng định: “Chiến lược của chúng tôi vẫn không thay đổi. Chúng tôi vẫn có kế hoạch săn các startup kỳ lân với Vision Fund 2, 3 và còn hơn thế”.