Số phận Hy Lạp sẽ được quyết định trong 2 ngày tới
Với tư cách là hai nhà lãnh đạo hai nền kinh tế đứng đầu châu Âu, thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Francois Hollande được kỳ vọng rằng họ sẽ có những quyết định đúng đắn để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 3 năm qua của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Theo như kế hoạch, hôm 25/8 bà Merkel sẽ đáp chuyến bay sang thủ đô Paris của Pháp để hội đàm với ông Hollande. Ngay sau đó một ngày, bà sẽ quay trở lại Berlin để tiến hành hội đàm với thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras.
Các nhà phân tích nhận định, trong cuộc gặp với bà Merkel, ông Samaras sẽ cố thuyết phục các đối tác châu Âu kéo dài thời hạn thực hiện chương trình cắt giảm chi tiêu của Athens, với mục tiêu giữ Hy Lạp tiếp tục là thành viên của eurozone.
Đức, nền kinh tế đứng đầu châu Âu, khẳng định Athens phải tuân thủ thời hạn đã đặt ra cũng như những thỏa thuận cải cách nếu muốn nhận được gói giải cứu thứ hai. Trong khi đó, nước Pháp của ông Francois Hollande lại tỏ ra linh hoạt hơn.
Theo bà Claire Demesmay thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức, mục đích cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Pháp - Đức là nhằm thảo luận về sự linh hoạt cho chương trình thắt chặt chi tiêu của Hy Lạp, đồng thời cả hai nước cũng mong muốn đạt được sự đồng thuận trước khi thủ tướng Hy Lạp đặt chân tới Berlin.
Nhà khoa học chính trị tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, Ulrike Guerot, cũng cho rằng cuộc gặp giữa bà Merkel và ông Hollande có ý nghĩa vô cùng quan trọng và sẽ được thị trường theo dõi chặt chẽ. "Thị trường muốn biết liệu Đức và Pháp có thể có chung một tầm nhìn hay không", bà Guerot nói.
Hiện tại, chính quyền Hy Lạp mong muốn có có được 11,5 tỷ euro thông qua hoạt động cắt giảm chi tiêu triệt để và cải cách trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính của đất nước bước vào năm thứ 5. Các nhà lãnh đạo Athens cũng hy vọng sẽ nhận được tín hiệu tích cực từ các chủ nợ của mình.
Trong tháng 9, nhóm Tam hùng - các chủ nợ chính của Hy Lạp - bao gồm Ủy ban châu Âu (EC), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu, sẽ quyết định liệu Athens có được nhận gói cứu trợ thứ hai hay không.
Nếu như không nhận được gói cứu trợ mới khoảng 31,5 tỷ euro, chính phủ Hy Lạp sẽ nhanh chóng cạn tiền và phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, mà hậu quả là Athens sẽ buộc phải rời eurozone.
|
Mặc dù vậy, chính quyền Berlin cho rằng thị trường không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp giữa bà Merkel với ông Hollande và ông Samaras. Berlin cho rằng hai cuộc gặp này sẽ không mang lại bất cứ "quyết định quan trọng" hay "vị thế vững chắc" nào cho vấn đề Hy Lạp.
"Mọi quyết định về số phận Hy Lạp nằm trong tay nhóm Tam Hùng", phát ngôn viên của bà Merkel, Steffen Seibert" khẳng định. Ngoài ra, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo không chỉ xoay quanh vấn đề Hy Lạp mà còn bao trùm cả diễn biến tại Syria, ông Seibert cho biết.
Mặc dù vậy, chính quyền Paris lại xem cuộc gặp như một cơ hội tìm kiếm được quan điểm chung về vấn đề khủng hoảng Hy Lạp. Ngoài ra, Pháp cũng mong muốn lắng nghe thủ tướng Samaras trình bày về tiến trình thực hiện các cải cách theo như yêu cầu của các chủ nợ.
Nhiều người lo ngại, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Pháp - Đức sẽ chỉ làm sâu sắc thêm những bất đồng giữa hai quốc gia. Kể từ khi lên nắm quyền, mối quan hệ giữa tổng thống Hollande, một nhà xã hội, và thủ tướng Merkel, một người theo đường lối Kito bảo thủ, chưa bao giờ êm đẹp. Thậm chí ông Hollande từng thẳng thừng bác bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng của bà Merkel và cho rằng chí có tập trung vào tăng trưởng mới cứu được eurozone.
Tuy nhiên, bà Demesmay lại tin tưởng rằng ông Hollande sẽ không tiếp tục giữ thái độ đối đầu với bà Merkel như trước bởi ở thời điểm hiện tại, bản thân nước Pháp cũng phải tìm cách tiết kiệm 33 tỷ euro chi tiêu công để ổn định kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng chững lại và thất nghiệp gia tăng.
Về phần mình, bà Merkel đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử quan trọng, sẽ diễn ra vào cuối tháng 10/2013. Bên cạnh đó, bà cũng không nhận được nhiều sự đồng tình của công chúng về việc cấp thêm viện trợ cho Hy Lạp.
Người đứng đầu trong đảng bà Merkel tại quốc hội, ông Volker Kauder, từng cảnh báo Athens không thể kéo dài thời hạn hay thỏa thuận lại các điều khoản cứu trợ, song ông khẳng định châu Âu không hề muốn Hy Lạp rời khỏi eurozone.
Mặc dù vậy, trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Bild của Đức, ông Samaras một lần nữa kêu gọi các chủ nợ hay cho Hy Lạp nhiều thời gian hơn để cắt giảm chi tiêu và cải cách kinh tế.
"Chúng tôi không cần thêm tiền, chúng tôi cam kết tuân thủ các thỏa thuận và đáp ứng mọi yêu cầu. Tất cả những gì Hy Lạp cần là thời gian để phục hồi kinh tế nhanh chóng và nâng cao thu nhập", ông Samaras khẳng định.
Nguồn Bangkokpost/Khampha