Thứ Năm | 28/06/2012 08:21

Số phận eurozone nằm trong tay Thủ tướng Đức Merkel

Kế hoạch lập liên minh ngân hàng, phát hành trái phiếu chung để cứu eurozone thành công hay thất bại phụ thuộc vào người duy nhất là Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Hệ thống ngân hàng khu vực đồng euro (eurozone) từ lâu đã rơi vào tình trạng mất cân bằng. Hầu hết ngân hàng lớn của các nước trong khu vực đều đang gây sức ép cho toàn liên minh tiền tệ.

Gánh nặng này có thể là quá lớn đối với giới chức châu Âu bởi quy mô tài sản ngân hàng ở một số nước thậm chí lớn gấp 2 lần GDP Đức, 3 lần GDP Pháp. Trong khi đó, các ngân hàng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia và Hy Lạp tiếp tục đối mặt với tình trạng bị rút vốn mạnh, khiến khủng hoảng ngành ngân hàng càng trở nên nghiêm trọng.

Tuần này, lãnh đạo châu Âu đã đưa ra bản đề xuất vực dậy kinh tế khu vực, trong đó có việc các nước thành viên phải chấp nhận nhượng quyền kiểm soát ngân sách cho một cơ quan tài chính chung và quyền giám sát ngân hàng cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), tiến tới lập một liên minh ngân hàng và áp dụng cơ chế chia sẻ nợ thông qua phát hành trái phiếu chung.

Tuy nhiên, vấn đề là bà Merkel đến nay chỉ đồng ý kế hoạch giám sát ngân hàng, nhưng kiên quyết phản đối chia sẻ nợ. Bà Merkel cho rằng, kế hoạch trái phiếu chung sẽ phản tác dụng.

Quan điểm của bà Merkel có thể cản trở và gây bất đồng giữa các lãnh đạo tham gia hội nghị thượng đỉnh vào ngày 28-29/6 này – hội nghị được coi là quyết định số phận của eurozone.

Tại hội nghị, bà Merkel được cho là sẽ bác bỏ đề nghị hành động khẩn cấp để cứu Tây Ban Nha và Italia trong bối cảnh chi phí vay nợ của 2 nước này đều tăng kỷ lục.

Phát biểu một ngày trước hội nghị thượng đỉnh, bà Merkel nhấn mạnh không có giải pháp nhanh chóng hay đơn giản nào để chấm dứt khủng hoảng nợ eurozone, do đó, các quan chức cần tránh đưa ra những cam kết vội vã mà họ không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, hiện vẫn có một số cách để xoa dịu lo ngại của bà Merkel. Biện pháp này gồm áp mức lỗ nhất định đối với chủ nợ của một số ngân hàng gặp khó, buộc ngân hàng trả bảo lãnh tiền gửi và yêu cầu các chính phủ khu vực tái cấp vốn.

Nguồn Bloomberg, CNBC/DVT


Sự kiện