Thứ Năm | 28/03/2013 07:30

Số lượng các nước xếp hạng tín dụng cao nhất giảm 60% từ khủng hoảng

Số trái phiếu chính phủ được cả 3 hãng xếp hạng tín dụng xếp đầu bảng hiện chỉ còn 4.000 tỷ USD khi Mỹ, Anh và Pháp đều đã bị hạ bậc.
Số trái phiếu chính phủ toàn cầu được ba hãng xếp hạng tín dụng hàng đầu xếp hạng AAA, nền tảng của hệ thống tài chính, đã giảm hơn 60% kể từ khi khủng hoảng tài chính gây nên làn sóng hạ xếp hạng khắp các nền kinh tế phát triển.

Việc loại Mỹ, Anh và Pháp khỏi nhóm "9 chữ A" dẫn tới số lượng trái phiếu chính phủ được xem là an toàn nhất bởi Fitch, Moody's và Standard & Poor's (S&P), từ gần 11.000 tỷ USD đầu năm 2007 xuống còn 4.000 tỷ USD hiện giờ, Financial Times phân tích.

Sự thu hẹp này phần lớn là do việc S&P hạ xếp hạng tín dụng Mỹ tháng 8/2011, một sự thay đổi đáng nhớ trên bản đồ xếp hạng tín dụng thế gới, khuyến khích dòng tiền đầu tư đổ vào các thị trường mới nổi và buộc nhà đầu tư, nhà quản lý tài chính phải định nghĩa lại về tài sản "an toàn".

Trong khi việc hạ xếp hạng chính phủ châu Âu và Mỹ là chủ đề thống trị trên các phương tiện truyền thông, phân tích của Financial Times lưu ý về một loạt các đợt tăng bậc xếp hạng trên khắp phần còn lại của thế giới, đặc biệt là châu Mỹ Latinh.

Xếp đầu danh sách tăng xếp hạng tín dụng kể từ tháng 1/2007 là Uruguay, Bolivia và Brazil. Những lần hạ xếp hạng lớn nhất diễn ra tại khu vực đang chịu khủng hoảng Nam Âu, với Hy Lạp bị hạ nhiều nhất.

Kết quả làm nổi bật những thay đổi về địa lý kinh tế trong tình hình căng thẳng của khủng hoảng tài chính toàn cầu kể từ giữa năm 2007 và lật đổ những gì tưởng chừng là sự ổn định của hệ thống ngân hàng và tài chính công trước đó.

Người đứng đầu bộ phận xếp hạng nợ công của Fitch, David Riley phát biểu: "Năm năm trước, thế giới là một nơi có thể dễ dàng dự đoán. Các cuộc khủng hoảng ngân hàng thường là những gì diễn ra tại các thị trường mới nổi. Hiện giờ, chúng ta sống trong một thế giới mà rất nhiều những thứ giả định không còn nữa".

Các bậc xếp hạng tín dụng cao nhất vẫn thường do các nền kinh tế phát triển phương Tây chiếm đa số, tuy nhiên xếp hạng trung bình 6 năm qua đã giảm mạnh nhất tại khu vực đồng euro do khủng hoảng. Trái lại, xếp hạng trung bình tăng mạnh nhất là tại Mỹ Latinh, sau đó là các nước công nghiệp châu Á mới.

Sự thay đổi cho thấy đâu là nơi có thể tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững trong tương lai, người đứng đầu bộ phận xếp hạng nợ công Bart Oosterveld tại Moody's nói.

Chủ tịch ủy ban xếp hạng nợ công của S&P, John Chambers thì cho rằng nhiều thị trường mới nổi đã tiến hành cải tổ và cải thiện xếp hạng tín dụng của mình. "Những điều kiện kinh tế tốt hơn góp phần giúp đỡ. Thực hiện cải cách dễ dàng hơn khi gió thổi sau lưng bạn chứ không phải trước mặt".

Việc thăng hạng của các nền kinh tế thị trường mới nổi đã tăng số lượng các tài sản chính phủ xếp hạng BBB - mặc dù ngưỡng xếp hạng này hiện bao gồm một vài nền kinh tế châu Âu suy giảm.

Việc giảm nhiều hơn nữa các nước xếp hạng AAA có thể thổi bùng lên lo sợ về một cuộc khủng hoảng tài sản thế chấp - việc thiếu hụt các tài sản có thể dùng như chứng khoán bởi các ngân hàng và những tổ chức, cá nhân khác khi vay trên thị trường vốn hay từ ngân hàng trung ương.

Cho đến nay, những người quan sát tin rằng cuộc khủng hoảng vẫn còn cả chặng đường dài, phần lớn bởi các ngân hàng trung ương và nhà quản lý cho thấy sẵn sàng viết lại định nghĩa về những gì được coi là "an toàn".

Tuy nhiên, tình trạng thiếu tài sản thế chấp đã trở thành cấp tính đối với các ngân hàng tại khu vực đồng euro, nơi đang chịu khủng hoảng nợ và giải thích tại sao Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cung cấp thanh khoảng khẩn cấp cho các ngân hàng tại Síp.

Nguồn Khampha/FT


Sự kiện