Ảnh: The Daily Beast.
Số liệu gây thất vọng của doanh thu bán lẻ khiến chứng khoán Mỹ "đỏ lửa"
Trong phiên giao dịch ngày thứ 5, thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh sau khi các dữ liệu mới cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 11 giảm thấp hơn so với dự kiến.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 764,13 điểm, (tương đương 2,25%), còn 33.202,22 điểm. Đây là phiên tiêu cực nhất của chỉ số này kể từ tháng 9, hy vọng về một thị trường những ngày cuối năm đang hồi phục dần trở nên mờ nhạt.
Chỉ số Dow Jones có phiên giảm tiêu cực nhất kể từ tháng 9. Ảnh: CNBC. |
Chỉ số S&P 500 giảm 2,49% xuống còn 3.895,75 điểm, đưa tổng mức giảm trong tháng 12 lên khoảng 4,5%. Chỉ số Nasdaq giảm 3,23%, còn 10.810,53 điểm. So với đầu năm, chỉ số này đã mất khoảng 31%. Có thể nói 2022 là một năm tồi tệ với cổ phiếu công nghệ.
Doanh số bán lẻ gây thất vọng là một tín hiệu cho thấy lạm phát tăng cao đang gây tổn hại đến sức mua của người tiêu dùng Mỹ. Theo Bộ thương mại, doanh thu bán lẻ đã giảm 0,6% trong tháng 11. Mức giảm sâu này là ngoài dự đoán khi trước đó thông qua một cuộc khảo sát, Dow Jones ước tính mức giảm chỉ ở khoảng 0,3%.
Các nhà đầu tư bắt đầu bán tháo cổ phiếu trong phiên giao dịch hôm thứ 4 sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thông báo nâng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp, đồng thời sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 và dự báo lãi suất quỹ liên bang sẽ đạt đỉnh cao hơn dự kiến là 5,1%. Với mức tăng nửa điểm phần trăm vào hôm thứ 4, phạm vi mục tiêu cho lãi suất hiện là 4,25% đến 4,5%, mức cao nhất trong 15 năm.
Ở một diễn biến khác, hôm 15/12, thị trường chứng khoán châu Âu cũng “ngập lặn” trong sắc đỏ. Cổ phiếu của hai thị trường Pháp và Đức mất hơn 3%.
Chiến lược gia trưởng toàn cầu Quincy Krosby của LPL Financial cho biết: “Phản ứng của thị trường hiện nay cho thấy các nhà đầu tư đã tính đến một cuộc suy thoái kinh tế và cho rằng nền kinh tế có thể hạ cánh mềm là điều không còn khả thi”.
“Fed và thị trường đang trong cuộc giằng co với nhau và lợi thế đang nghiêng về phía thị trường. Thị trường thì tin rằng sự chậm lại của nền kinh tế không phải là tạm thời và Fed buộc phải thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ và có động thái trước năm 2024”, bà Krosby nói thêm.
Lợi tức trái phiếu Kho bạc tiếp tục giảm thêm bất chấp quyết định nâng lãi suất của Fed. Giới đầu tư lo ngại rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ đang đi quá xa, những đợt nâng lãi suất có thể gây ra một cuộc suy thoái và làm giảm nhu cầu về vốn trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm: