Nguồn ảnh: FT
Sở hữu "mỏ vàng đen" khổng lồ nhưng người dân Venezuela vẫn phải xếp hàng mua xăng dầu
Người dân Venezuela phải xếp hàng dài chờ mua xăng dầu do lượng xăng dầu khan hiếm. Ngành sản xuất xăng dầu của Venezuela bị đình trệ trong nhiều năm nay, khoảng 1.800 cây xăng trên toàn quốc phải đóng cửa.
Hồi cuối tuần qua, Iran đã bắt đầu đưa tàu chở xăng dầu đến Venezuela để giúp đỡ quốc gia Nam Mỹ này đối phó với tình trạng khủng hoảng nhiên liệu.
Một trong những nguyên nhân chính đến từ việc tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA hoạt động kém hiệu quả, chủ yếu do tham nhũng và quản lý yếu kém. Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt cũng là nguyên nhân đẩy Venezuela rơi vào tình trạng khủng hoảng nhiên liệu.
Từ xưa đến nay, dầu thô vẫn là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Venezuela, vàng cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong nguồn thu xuất khẩu của nước này, dữ liệu của viện Công nghệ Massachusetts cho biết.
1 cây xăng ở thủ đô Caracas đóng cửa vì không có hàng để bán. Ảnh: NYT |
Venezuela từng xuất khẩu vàng sang Thụy Sĩ, song đã ngừng hoạt động này khoảng 2 năm qua. Russ Dallen, người theo dõi các khoản đầu tư và vàng ở Venezuela, cho biết chính quyền của ông Maduro dường như đã xuất khẩu khoảng 2 tỉ USD vàng trong vòng 2 năm qua, trong đó 1,1 tỉ USD sang Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và 901 triệu USD sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, Venezuela cũng gửi vàng ở các ngân hàng trung ương nước ngoài. Ngân hàng trung ương Anh hiện giữ hộ khoảng 1,2 tỉ USD vàng cho Venezuela. Những tháng gần đây, giới chức Venezuela đã thảo luận với phía Anh để hồi hương số vàng này do lo ngại các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, đến nay đề nghị đó chưa được phía Anh chấp thuận đặc biệt trong bối cảnh Venezuela khủng hoảng chính trị sâu sắc hơn. Mỹ và phe đối lập ở Venezuela đã lên tiếng đề nghị Anh không hoàn trả lại số vàng này cho chính quyền Tổng thống Maduro.
Cả dự trữ vàng và sản lượng khai mỏ của Venezuela đều giảm trong những năm gần đây khi chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro dùng kim loại quý này để đổi lấy tiền mặt trong giao dịch quốc tế, và thậm chí để đổi lấy lương thực và thuốc men trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.