Không phải là số công ty tại Mỹ ít hơn một nửa so với 30 năm trước – mà là ngày càng có nhiều công ty tư nhân hơn. Ảnh: Getty Images.

 
00:00
    Hải Miên Thứ Bảy | 17/06/2023 08:00

    Số công ty niêm yết tại Mỹ đã giảm một nửa kể từ năm 1990

    Với ít công ty niêm yết hơn, tính minh bạch tổng thể và niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường có thể giảm đi.

    Theo CNN, số lượng các công ty niêm yết được giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ đã giảm đáng kể so với mức cao nhất vào năm 1996. Vào thời điểm đó, con số này vượt hơn 8.000 công ty. Ngày nay, con số đó đã giảm hơn 50% xuống chỉ còn 3.700, theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Giá Chứng khoán.

    Không phải là số công ty tại Mỹ ít hơn một nửa so với 30 năm trước mà là ngày càng có nhiều công ty tư nhân hơn, phần lớn nằm ngoài sự giám sát của công chúng. Các công ty niêm yết công khai phải tuân theo các yêu cầu giám sát và công bố thông tin theo quy định, giúp đảm bảo tính minh bạch và duy trì niềm tin của nhà đầu tư. Ông Matthew Kennedy, người đứng đầu bộ phận dữ liệu và nội dung tại Renaissance Capital cho biết, với ít công ty niêm yết hơn, tính minh bạch tổng thể và niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường có thể giảm đi. 
     
    Ngày 8/6, S&P 500 đã chính thức bước vào thị trường tăng giá, tăng 20% ​​so với mức thấp trong tháng 10. Nhưng góp phần vào mức tăng đó chỉ đến từ một số công ty công nghệ và trí tuệ nhân tạo có vốn hóa cổ phiếu lớn. Các công ty theo chu kỳ và nhỏ hơn phần lớn vẫn đang gặp khó khăn.

    Điều này củng cố quyền lực và dẫn đến thiếu tính cạnh tranh, khi mà chỉ riêng hai cổ phiếu Apple và Microsoft đã chiếm khoảng 15% trong toàn bộ S&P 500.

    Tại sao tình trạng này xảy ra?

    Cuộc suy thoái do đại dịch gây ra vào năm 2020 và chu kỳ lạm phát cao ngất ngưởng sau đó đã làm trầm trọng thêm tình hình, các nhà kinh tế cho biết.

     

    Những lo ngại về nền kinh tế đang suy yếu và biến động của thị trường đã khiến các đợt chào bán lần đầu ra công chúng gần như cạn kiệt hoàn toàn. Năm 2022, thị trường IPO của Mỹ đã giảm 94,8% xuống còn 8 tỉ USD, mức thấp nhất trong 32 năm. Sự suy thoái đó vẫn tiếp tục; Trung tâm nghiên cứu giá chứng khoán CRSP báo cáo rằng tổng vốn hóa của cổ phiếu mới trong quý đầu tiên của năm 2023 đã giảm 60% so với năm ngoái.

    Ông Kennedy cho biết: “Việc các công ty trì hoãn niêm yết là điều tự nhiên khi mức định giá giảm một nửa và các nhà đầu tư không hào hứng rót vốn vào các công ty mới.”

    Trong khi đó, các vụ phá sản đã đạt đến mức cao nhất kể từ năm 2010, xóa những cái tên như Bed Bath and Beyond và Party City khỏi các sàn giao dịch.

    Các nhà kinh tế cho biết việc các công ty không muốn niêm yết sẽ không tốt cho nền kinh tế.

    Ông Torsten Slok, nhà kinh tế kiêm đối tác của Apollo Global Management cho biết: “Với việc lạm phát vẫn tiếp tục tăng cao, chi phí vốn cũng sẽ tăng, điều này sẽ tiếp tục gây áp lực giảm đối với công nghệ, tăng trưởng và đầu tư mạo hiểm”.

    Câu chuyện về vốn cổ phần tư nhân

     

    Hiện tại, số công ty được hỗ trợ bởi vốn cổ phần tư nhân ở Mỹ nhiều gấp năm lần so với số công ty niêm yết, các nhà kinh tế tại Wells Fargo cho biết.

    Xu hướng này đã phát triển trong một thời gian. Theo Wells Fargo, năm 1999, một công ty công nghệ trung bình của Mỹ sẽ niêm yết sau bốn năm, đến năm 2019, con số đó tăng lên 11 năm.

    Wells Fargo cho biết: “Trong khi đó, các công ty tư nhân có thể tránh được gánh nặng và chi phí của các yêu cầu pháp lý và tập trung vào các kế hoạch chiến lược dài hạn.”

    Một số quỹ cổ phần tư nhân thậm chí đã tận dụng lợi thế của “thị trường gấu” để mua các công ty niêm yết.

    Các nhà phân tích của Wells Fargo đã báo cáo rằng trong 25 năm qua, các khoản đầu tư vốn cổ phần tư nhân đã liên tục vượt trội so với chứng khoán toàn cầu, thu nhập cố định và vốn hóa nhỏ với biên độ rộng.

    Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc

    Căng thẳng chính trị và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Nhưng trong một cuộc họp kín với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hồi đầu tháng, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh rằng Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc để giải quyết những thách thức cấp bách mang tính toàn cầu, theo CNN.

    Các bình luận của bà Yellen cho thấy các quan chức Mỹ đang ngày càng nỗ lực hạ nhiệt mối quan hệ phức tạp giữa Washington và Bắc Kinh, hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai trên thế giới.

    Bà Yellen nhấn mạnh tầm quan trọng của cả thương mại và đầu tư với Trung Quốc, nhưng cũng thừa nhận những lo ngại về rào cản tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc và việc Bắc Kinh sử dụng các công cụ phi thị trường, theo  CNN.

    Nối tiếp động thái trên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến ​​sẽ tới Trung Quốc trong những ngày tới. Trong khi đó, một loạt các CEO Mỹ đã đến thăm Trung Quốc trong những tuần gần đây, bao gồm tỉ phú Tesla Elon Musk, Giám đốc điều hành Starbucks Laxman Narasimhan và Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon.

    Có thể bạn quan tâm:

     Du khách Ấn Độ sẽ là "mỏ vàng" mới trong làng du lịch

    Nguồn CNN