Chủ Nhật | 24/03/2013 20:50

Síp vài giờ trước hạn chót giải quyết khủng hoảng

Lãnh đạo đảo quốc Địa Trung Hải đang chạy đua với thời gian để đạt được những thỏa thuận cần thiết trước hạn cuối mà EU đặt ra để nhận cứu trợ.
Tổng thống cộng hòa Síp, ông Nicos Anastasiades được kỳ vọng có mặt hôm nay 24/3 tại Brussels để tìm kiếm một thỏa thuận về một gói cứu trợ từ Liên minh châu Âu vào phút chót trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính.

Nhấn mạnh tình trạng nghiêm trọng của Síp, chuyên gia kinh tế trưởng của Liên minh châu Âu (EU) cho biết ngay bây giờ "chỉ còn một lựa chọn khó khăn" cho nạn nhân mới nhất của cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro.

Đối mặt với thời hạn chót là thứ 2 (25/3) để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng Síp nhưng cuộc thảo luận hôm qua tại Nicosia bàn về một gói cứu trợ từ EU và IMF đã kết thúc mà không mang lại kết quả nào.

Một nhân viên chính phủ Síp cho biết: "Các cuộc đàm phán diễn ra trong thời điểm vô cùng nhạy cảm. Tình huống rất khó khăn đặt trong một thời hạn chặt chẽ". Và tổng thống Anastasiades đã đến Brussels vào nửa buổi sáng nay để tiếp tục các cuộc đàm phán.

Trong các cuộc hội đàm trước đó giữa các nhà lãnh đạo Síp với các quan chức cấp cao của Troika (ECB, IMF, EU) các phát biểu tỏ ra lạc quan và khá thận trọng.

Lĩnh vực ngân hàng phát triển quá mức tại Síp "đã bị tê liệt do tiếp xúc với cuộc khủng hoảng Hy Lạp” và EU tuyên bố quốc đảo này phải tự huy động được 5,8 tỷ euro (7,5 tỷ USD) trước khi có thể nhận được một gói cứu trợ 10 tỷ euro tiếp theo để tránh lâm vào khủng hoảng.

Nếu không đạt được một thỏa thuận như vậy trước ngày mai, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ ngừng "bơm" tiền cho các "Quỹ hỗ trợ thanh toán khẩn cấp" (ELA), kéo theo sự vỡ nợ ở các ngân hàng và sự sụp đổ của nền kinh tế Síp.

Vật lộn để tìm nguồn ngân sách, các quan chức cho biết Síp đã thừa nhận dự định đánh thuế tiền gửi ngân hàng đã gây chấn động trước khi các nhà lập pháp tỏ ra giận dữ khi coi đó như một "vụ cướp ngân hàng."

Tuy nhiên tối qua 23/3, một quan chức Síp cấp cao cho biết chính phủ Síp đạt được thỏa thuận với Troika về loại thuế tiền gửi sẽ áp dụng cho các khoản tiền gửi trên 100.000 euro đối với tất cả các ngân háng Síp là 4%, và riêng Bank of Cyprus (ngân hàng lớn nhất của Síp) lên đến 20%.

Bộ trưởng Tài chính Síp Michalis Sarris nói về "tiến bộ đáng kể" trong các cuộc đàm phán buổi sáng, nhưng bên ngoài những người biểu tình giận dữ đang hô vang: "Từ chức, Từ chức!"

Trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ 3, tất cả 56 phiếu đại biểu quốc hội đều bác bỏ dự thảo thuế tiền gửi. Bộ trưởng Tài chính Síp Michalis Sarris đã tốn 3 ngày ở Moscow để rồi nhận đước cái lắc đầu từ Nga , quốc gia mà người dân đang chôn hàng tỷ euro trong các ngân hàng Síp.

Đến thứ 6, các nhà lập pháp đã bỏ phiếu trong phiên cuối thông qua thành lập "Quỹ đầu tư đoàn kết" bao gồm quỹ lương hưu trí được quốc hữu hóa, phát hành trái phiếu khẩn cấp và một phần doanh thu từ hoạt động dầu khí. Đồng thời, đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được chấp thuận, theo đó sẽ phân chia thành các ngân hàng thuộc 2 nhóm tốt và xấu , áp dụng cả cho 2 ngân hàng lớn nhất.

Người dân đảo Síp đã từng cảm thấy bị xúc phạm vì thuế tiền gửi và choáng váng bởi tốc độ kinh hoàng của câu chuyện đang diễn ra.

Hôm thứ 7, khoảng 1.500 người biểu tình, nhiều người trong số họ là nhân viên ngân hàng, đã xuống đường, cầm trên tay biểu ngữ với dòng chữ: "Không có sự phá sản của đảo Síp" và "Các quỹ phúc lợi trong tay của người lao động".

Thuế tiền gửi ngân hàng là một bước tiến chưa từng có trong việc xử lý của châu Âu của một cuộc khủng hoảng nợ đã lan rộng từ Hy Lạp, Ireland , Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý.

"Các ngân hàng Síp từ nhiều năm đã tham gia các hoạt động chứa nhiều loại rủi ro mà không bao giờ được cho phép ở Pháp , thống đốc Ngân hàng Pháp Christian Noyer nói trên tờ Le Journal du Dimanche. Ông nói thêm: "Không ai muốn Síp rời khỏi khu vực đồng euro và những người đầu tiên phải gánh chịu sẽ là người dân Síp”.

Cả thế giới đang hướng về cuộc họp của Eurogroup - nhóm 17 Bộ trưởng Tài chính các quốc gia khu vực đồng euro diễn ra tại Brussels vào 17h00 (giờ GMT) hôm nay. Kết quả cuộc họp sẽ ảnh hưởng đáng kể tới số phận của Síp vì đây là cuộc họp quan trọng cuối cùng trước thời hạn cuối cùng để Troika có thể xem xét khoản cứu trợ 10 tỷ euro cho sự sụp đổ của đảo Síp đang tới gần.

Nguồn Khampha


Sự kiện