Thứ Bảy | 20/04/2013 20:06

Síp và Hy Lạp có thể buộc phải rời khỏi eurozone

Theo Citigroup, Síp và Hy Lạp có thể sẽ buộc phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu do khó khăn trong tái cơ cấu các khoản nợ lớn.
Nhận định trên được tập đoàn Citigroup nêu ra trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của mình, CNBC cho biết.

Thị trường chứng khoán hai bờ Đại Tây Dương vẫn tương đối lạc quan trong tháng 3 bởi bộ ba chủ nợ Troika (Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF) đã đồng ý cho Síp vay 10 tỷ euro (13 tỷ USD) nhằm cứu trợ tài chính. Quốc gia này cũng áp dụng biện pháp kiểm soát tín dụng và tiền gửi lớn.

Tuy nhiên câu chuyện vẫn còn đi xa hơn, theo Citigroup, sức khỏe nền kinh tế khu vực đồng euro còn rất xa ngưỡng khỏe mạnh. "Chúng tôi tiếp tục cho rằng Hy Lạp và Síp sẽ rời khỏi Liên minh Tiền tệ Châu Âu (EMU) trong thời gian tới", Citigroup cho biết trong lưu ý của báo cáo.

"Chúng tôi dự báo khu vực đồng euro nằm trong suy thoái kinh tế trong năm nay và năm 2014, thậm chí là cuộc suy thoái sâu trong hầu hết các nước khủng hoảng. Hơn nữa thị trường tài chính sẽ căng thẳng trong thời gian tới”.

Síp có thể phải trải qua quá trình tái cơ cấu đầu tiên các khoản nợ quốc gia, điều có thể đặt liên minh tiền tệ vào tình trạng nguy hiểm, Citigroup cho biết thêm.

Riêng đối với Síp, việc bắt buộc rời khỏi eurozone có thể được thúc đẩy bởi một sự phản đối tập thể vì nền kinh tế đã suy yếu quá nghiêm trọng hoặc theo quyết định chính trị từ chính nội bộ Síp sẽ từ bỏ kế hoạch cứu trợ của Troika.

Đảng Xanh tại Síp, với chỉ duy nhất một thành viên trong quốc hội đã trở thành người đầu tiên công khai tuyên bố ý kiến nên từ chối thỏa thuận với Troika. Chẳng có gì đảm bảo tư tưởng đối lập ấy không lan nhanh trong quốc hội Síp.

Ngoài ra, báo cáo cũng đưa ra kỳ vọng ECB sẽ sớm cắt giảm lãi suất, có thể là ngay tại cuộc họp tháng tới.

ECB tin rằng "biện pháp nới lỏng tín dụng" chứng tỏ các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý có một cái nhìn khoan dung hơn về tình hình nợ nần của các quốc gia. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng chặt chẽ trong khu vực đồng euro có thể chậm lại để hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế.

Hai nước Tây Ban Nha và Italia cũng sẽ không thoát nạn, theo Citigroup. Một vòng tròn luẩn quẩn đang tiếp tục giữa nguồn tín dụng ngân hàng nghèo nàn, nền kinh tế yếu kém và thất nghiệp gia tăng ở hầu hết các nước khủng hoảng.

"Italia và Tây Ban Nha cuối cùng sẽ nhận được một số hình thức cứu trợ từ Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) trong năm nay. Một số các khoản nợ chính phủ và nợ phải trả ngân hàng buộc phải cơ cấu lại trong một loạt các quốc gia bao gồm Bồ Đào Nha, Síp, Italia, Tây Ban Nha và Iceland", Citigroup nhận định.

Nguồn Dân Việt/CNBC


Sự kiện