Síp đối mặt với làn sóng 200.000 người tị nạn từ Syria
Các nhà lãnh đạo đảo Síp hy vọng nếu khủng hoảng tị nạn nổ ra, Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhập cuộc để hỗ trợ nước này.
Thứ trưởng phụ trách các vấn đề liên quan đến châu Âu của Síp đồng thời là cựu đại sứ của Síp tại EU và Liên Hợp Quốc, ông Andreas Mavroyiannis nói: "Chúng tôi không chắc điều gì sẽ xảy ra. Nhưng theo kế hoạch, ước chừng sẽ có khoảng 200.000 người Syria chạy trốn tới đảo Síp".
"Đây một sự căng thẳng rất lớn và chúng tôi không muốn điều đó xảy ra, vì vậy đảo Síp hy vọng nhận được sự giúp đỡ từ các nước", ông Andreas Mavroyiannis phát triểu trong cuộc họp tại Nicosia.
Trước đó, trong năm 2006, cuộc chiến kéo dài nhiều tháng giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon khiến 90.000 tị nạn tràn sang đảo Síp để lánh nạn. Ngay sau đó, Síp đã nhận được sự trợ giúp từ Anh và Mỹ, nhiều người tị nạn trong số đó đã sinh sống và định cư tại nước ngoài. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nền kinh tế của Síp đang trong tình trạng ổn định và tăng trưởng cao.
Sau 3 năm vật lộn với khủng hoảng nợ châu Âu, các ngân hàng đảo Síp phải chịu thiệt hại nặng nề khi mất tới 80% các khoản nợ từ trái phiếu Hy Lạp. Kinh tế Síp cũng rơi vào tình trạng suy thoái, bất động sản giảm mạnh và ít nhất hai ngân hàng của nước này cần tái cơ cấu vốn khẩn cấp.
Mới đây, Nga - một đồng minh lâu năm của Síp - đã cho chính phủ đất nước vay 2,5 tỷ euro để bù đắp thâm hụt ngân sách trong năm nay. Matxcơva cũng cam kết sẽ thực hiện nhiều khoản vay khác cho đảo Síp.
Theo thống kế của các quan chức, đảo Síp hiện cần tới 10 tỷ euro để bảo vệ nền kinh tế. Mới đây, quốc gia nhỏ bé này đã yêu cầu EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thực hiện gói cứu trợ khẩn cấp. Khoản viện trợ này vừa được các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (eurozone) thảo luận hôm qua 10/7 tại Brussels.
Nguồn Dailypress/DVT