Chủ Nhật | 17/03/2013 20:55

Síp chấp thuận đánh thuế tiền gửi tiết kiệm đổi lấy gói cứu trợ

Điều khoản này được cho là khắc nghiệt nhất, đồng thời khiến người dân đảo Síp tức giận và có thể trở thành một tiền lệ đáng sợ với người châu Âu.
Ngay khi khủng hoảng nợ châu Âu nổ ra, một nhà kinh tế từng tuyên bố rằng: "Những người gửi tiền sẽ phải trả tiền cho đống đổ nát ở châu Âu. Bởi họ là những người duy nhất còn tiền".

Chắc chắn người đưa ra ý tưởng "độc đáo" này sẽ phải gật đầu lia lịa khi được đọc những điều khoản cứu trợ mà Cộng hòa Síp phải ký để có được gói cứu trợ 10 tỷ USD hôm qua 17/3 từ các chủ nợ.

Sau cuộc đàm phán kéo dài 10 giờ đồng hồ, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đồng ý cung cấp gói cứu trợ cho Síp, mặc dù gói cứu trợ này có quy mô nhỏ hơn dự kiến ban đầu.

Để có được số tiền cứu trợ này, Síp đã đồng ý nâng thuế suất doanh nghiệp từ 10% lên 12,5%, một nguồn tin cho hay.

Tuy nhiên, điều khoản được cho là khắc nghiệt nhất, đồng thời khiến người dân đảo Síp tức giận nhất chính là việc chính phủ Síp chấp nhận áp đặt thuế suất 9,9% đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 euro tại các ngân hàng, và 6,75% đối với các khoản tiền gửi nhỏ hơn.

Một số người tỏ ra cảm thông với những người đã cố gắng sắp xếp một gói giải cứu nhằm cứu vớt một quốc gia nhỏ bé, nơi quy mô nợ ngân hàng cao gấp nhiều lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của chính quốc gia đó. Có thể nói, việc các ngân hàng sở hữu những khoản tiền gửi khổng lồ và cao hơn giới hạn được phép bảo hiểm là điều diễn ra quá thường xuyên ở Síp. Do đó, việc đánh thuế những khoản tiền này là điều hoàn toàn bình thường.

Những với những khoản tiền thấp hơn giới hạn bảo hiểm, sẽ rất khó để đánh thuế mà không làm người gửi tiền tức giận.

Một điều đáng lo ngại khác chính là việc Cộng hòa Síp cho đánh thuế tiền gửi có thể sẽ trở thành một tiền lệ đáng sợ với người châu Âu, mặc dù các cơ quan chức năng đã tìm cách trấn an người gửi tiền ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Rõ ràng người châu Âu có cớ để lo ngại bởi làm sao có thể tin vào lời hứa của các cơ quan chức năng, khi họ có thừa tiền để giải cứu những ngân hàng ở nơi xa xôi nào đó nhưng lại không chịu chi tiền để cứu những người gửi tiền ở Cộng hòa Síp nhỏ bé?

Có thể nói, sau những gì đã diễn ra ở Síp, người dân châu Âu thà giữ tiền của mình dưới giường còn hơn trao nó vào tay các ngân hàng, để rồi một ngày nào đó chúng lại bị đem đi để giải cứu một quốc gia nào khác.

Nhiều người dự đoán, những người dân châu Âu sẽ tìm cách giữ tiền dưới dạng các loại tài sản khác như vàng hoặc lưu trữ trong những kho tiền của riêng họ, chứ không chấp nhận gửi trong các tài khoản ngân hàng.

Nếu điều này xảy ra, chắc chắn giá vàng sẽ biến động mạnh. Mặc dù kể từ tháng 10/2012 đến nay, giá vàng tính theo USD đã giảm hơn 8%, song nếu tình trạng mua vàng để tích tiền tại châu Âu nổ ra, giá vàng chắc chắn sẽ tăng vọt trở lại như thời điểm xảy ra khủng hoảng 2008.

Nguồn The Economist/Khampha


Sự kiện