Síp cần cứu trợ khẩn cấp sau hạ bậc tín nhiệm
Ngay khi thông tin trên được đưa ra, các quan chức đảo Síp cho biết chính phủ sẽ tiến hành đàm phán với các chủ nợ vào tuần tới, đồng thời kỳ vọng thỏa thuận về gói cứu trợ sẽ được chấp thuận vào trung tuần tháng 11. Nhiều người lo ngại, nếu đàm phán cứu trợ thất bại, nhiều khả năng quốc đảo với 1 triệu dân này sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiền tệ ngay trong tháng 12.
Hiện chưa rõ Síp sẽ yêu cầu bao nhiều tiền cứu trợ do chính phủ và các chủ nợ vẫn chưa đạt được thỏa thuận về nhu cầu tái cấp vốn của các ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia suy đoán rằng Síp sẽ cần hơn 10 tỷ euro, tương đương 60% GDP, để cứu vãn nền kinh tế.
Hồi đầu tháng này, cơ quan xếp hạng khác Moody's cũng tuyên bố hạ xếp hạng tín dụng của đảo Síp cùng 3 ngân hàng khác của nước này, đồng thời khuyến nghị chính phủ Síp nên nhanh chóng cầu cứu sự hỗ trợ từ quốc tế để giải cứu các ngân hàng gặp khó khăn.
Trong khi đó, S&P nhận định kinh tế Síp thực sự xấu đi do các điều kiện tín dụng trong nước ngày một tồi tệ hơn. trong khi đó hệ thống ngân hàng ngày càng bộc lộ yếu kém.
S&P cũng bày tỏ hy vọng chính phủ Síp sẽ đạt được một thỏa thuận với bộ ba chủ nợ là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), đồng thời kỳ vọng Nga sẽ chấp thuận tung gói cứu trợ tài chính cho đảo Síp.
Tuần trước, chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manueal Barroso đã kêu gọi chính phủ Síp nên nhanh chóng chấp thuận các điều khoản cứu trợ tài chính của các chủ nợ quốc tế nhằm cứu vãn nền kinh tế.
Bên cạnh hạ xếp hạng tín nhiệm, S&P cũng dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Síp giai đoạn 2012 - 2014 sẽ tăng trưởng âm 2%, trong khi nợ công sẽ lên tới 130% GDP vào cuối năm nay.
Standard & Poor's cảnh báo nếu không nhanh chóng cải thiện tình hình hiện tại, xếp hạng tín nhiệm của Síp còn có thể bị hạ tiếp xuống bậc C, đồng nghĩa Síp bị xếp vào danh sách các quốc gia "có thể vỡ nợ".
Nguồn AFP, CNBC/Khampha