Singapore thành nạn nhân của chính sự thịnh vượng
Theo thống kê, người nước ngoài hiện chiếm khoảng 38% dân số Singapore, tăng từ 25% trong năm 2000. Hơn 7.000 công ty đa quốc gia đang hoạt động trong thành phố và các công nhân nước ngoài được coi là chìa khóa cho sự phát triển của Singapore, không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn ở cả dầu mỏ và khí đốt.
Trong năm 2012, kinh tế Singapore bắt đầu bộc lộ dấu hiệu suy giảm như xuất khẩu yếu hay sản xuất chậm lại làm tổn thương nền kinh tế. Chính phủ Singapore đã phải rất vất vả để giúp kinh tế đất nước thoát khỏi suy thoái trong quý IV/2012.
Bên cạnh đó, chi phí và dân số gia tăng, vào khoảng 7 triệu dân trong năm 2030 theo ước tính của chính phủ, cũng dẫn tới sự bất mãn trong nhóm dân số bản địa. Những người dân địa phương cho rằng chính những lao động nước ngoài là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải trên các tuyến giao thông công cộng, đồng thời làm tăng chi phí sinh hoạt nói chung.
Hơn ai hết, các nhà kinh tế và các chủ doanh nghiệp là những người hiểu rõ nhất những tác động từ chi phí tăng cao ở Singapore, đặc biệt là chi phí lao động. "Singapore đang trở thành một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Đây là điều rất đáng lo ngại bởi nó có thể khiến tiền lương cho người lao động tăng cao hơn", nhà kinh tế tại ngân hàng Mizuho Corporate, ông Vishnu Varathan nói.
Trong năm 2012, Singapore được xếp vào nhóm các thành phố có chi phí đắt đỏ nhất, tăng 2 bậc từ 8 trong năm 2011 lên vị trí thứ 6.
Dân số tăng cũng đẩy giá bất động sản ở Singapore tăng cao, một trong những yếu tố lớn góp phần làm tăng chi phí sinh hoạt. Từ năm 2007 đến 2011, giá bất động sản của Singapore tăng khoảng 50%, chủ yếu do nhu cầu mua sắm nhà ở của các lao động nước ngoài.
Các nhà phân tích không ít lần kêu gọi chính phủ Singapore nên thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ổn định giá nhà. Tuy nhiên, các biện pháp này, trong đó bao gồm hạn chế hoạt động mua sắm bất động sản của người nước ngoài, có thể khiến những lao động nước ngoài muốn rời khỏi Singapore.
Singapore hiện đứng thứ 8 trong nhóm các thành phố có giá thuê bất động sản đắt nhất.
Trong khi đó, lạm phát của quốc đảo này cũng tăng trở lại sau 5 năm và ở mức 4%. Lạm phát cao hơn đồng nghĩa giá thực phẩm, giao thông và ăn uống cũng tăng cao hơn.
Giám đốc tuyển dụng của công ty Michael Page, bà Diana Low, cho biết chi phí sinh hoạt tăng cao ở Singapore đang trở thành một yếu tố lớn trong đàm phán việc làm của người lao động so với 5 năm trước. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài thậm chí phải chuyển sang tuyển dụng người bản địa để giảm chi phí lao động.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu tình trạng chi phí tăng cao tái diễn, Singapore có thể mất một số lợi thế cạnh tranh so với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các nước giềng cũng đồng nghĩa người lao động và nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn hơn so với những năm trước đây.
Mặc dù vây, một số người vẫn cho rằng dù chi phí sinh hoạt cao, song nhiều người nước ngoài vẫn sẵn sàng tới Singapore sinh sống và làm việc bởi chất lượng cuộc sống nơi đây tốt hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.
Nguồn CNBC/Khampha