Singapore đặt cược hàng tỷ USD vào 'Quốc gia thông minh'
50 năm qua, Singapore đã phát triển rất nhanh chóng, nhờ sự ổn định chính trị, các kế hoạch dài hạn và quan điểm minh bạch, cởi mở với đầu tư. Từ một thuộc địa nhỏ tại Đông Nam Á, quốc đảo này giờ đã trở thành một cảng biển, trung tâm lọc dầu, nơi sản xuất đồ điện tử và trung tâm ngân hàng lớn trên thế giới.
Ngày 9/8 tới, Singapore sẽ kỷ niệm 50 năm tách khỏi Malaysia. Và thách thức của họ cũng đang tăng lên. Cha đẻ của Singapore - cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã qua đời năm nay. Và con trai ông - Thủ tướng Lý Hiển Long đang đặt cược hàng tỷ USD vào kế hoạch "Quốc gia Thông minh" - sử dụng công nghệ để giải quyết mọi vấn đề của đất nước.
Kế hoạch này đã được Cơ quan Phát triển Công nghệ Thông tin - Viễn thông Singapore (IDA) công bố từ cuối tháng 4, trong sự kiện Quốc gia Thông minh 2015 tổ chức tại đây. Giao thông, mật độ dân số, già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe là các vấn đề rất phổ biến tại các quốc gia phát triển trên thế giới. Sử dụng công nghệ để giải quyết chúng chính là nền tảng của kế hoạch này.
Singapore đang hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới. IDA ước tính kế hoạch này sẽ mất vài tháng để phác thảo và nhiều năm mới thực hiện xong. Nếu thành công, Singapore có thể trở thành hình mẫu cho các nước phát triển khác.
Để hiện thực hóa chiến lược trên, IDA đã lập ra Nền tảng Quốc gia Thông minh (SNP). Chương trình này gồm hai giai đoạn. Giai đoạn một sẽ hoàn thiện cuối năm nay, liên quan đến các cuộc thử nghiệm cục bộ về mạng và cảm biến kết nối có dây cũng như không dây. Giai đoạn hai dự kiến triển khai công nghệ trên quy mô lớn, hơp tác với các doanh nghiệp. Những công ty này sẽ do IDA lựa chọn và tham vấn.
"Đây là một tầm nhìn dài hạn. Singapore vẫn còn rất nhiều lao động trong nước không có đủ các kỹ năng cần thiết", Irvin Seah - nhà kinh tế học của DBS Group tại Singapore cho biết. Tầm nhìn này được thể hiện phần nào tại quận Jurong Lake District - một quận rộng 360 hecta tại phía Tây Singapore được chính phủ lắp đặt hơn 1.000 thiết bị cảm biến để theo dõi và kiểm soát mọi thứ từ phương tiện giao thông đến thùng rác. Khu vực buồn tẻ của Singapore đang được cải tiến thành một quận kinh doanh trung tâm (CBD) thứ hai, với các tòa chung cư ven sông hào nhoáng, trung tâm nghiên cứu khoa học và nhà ga cho một đường ray cao tốc dự tính chạy tới Kuala Lumpur (Malaysia).
"Singapore đã thay đổi hoàn toàn. Chính phủ làm mọi thứ đều rất nhanh chóng. Nhưng giờ cái gì cũng đắt đỏ. Với những người không kiếm được mấy, cuộc sống rất khó khăn. Người nước ngoài đang giành hết việc làm của chúng tôi", Ho Soon Chye – một nhân viên bảo vệ 60 tuổi cho biết. Ông được trả 5 USD mỗi giờ cho công việc canh gác tại một ngôi đền Trung Quốc ở đây.
Các nỗ lực gần đây của Singapore tập trung vào thu hút vốn đã mang lại kết quả trái ngược. Quốc gia này đã trở thành trung tâm quản lý tài sản trong khu vực. Việc mở 2 casino sau 4 thập kỷ bị cấm cũng khiến tăng trưởng lên kỷ lục năm 2010.
Tuy nhiên, số người nước ngoài đổ về đây đang biến Singapore thành một trong những nước phát triển có khoảng cách thu nhập lớn nhất thế giới. Trong khi đó, doanh thu casino đang sụt giảm do hoạt động chống tham nhũng tại Trung Quốc.
Singapore hiện vẫn có hơn 45% lao động làm các công việc không cần chuyên môn như lau dọn và lắp ráp. Các cột trụ tăng trưởng truyền thống của nước này cũng đang lung lay. Xuất khẩu đồ điện tử giảm liên tiếp vài năm gần đây, năng suất lao động cũng đi xuống quý thứ 4 liên tiếp trong 3 tháng đầu năm. Và quý II, Singapore cũng tăng trưởng chậm nhất từ 3 năm.
Cuộc tái cấu trúc kinh tế đầu tiên bắt đầu năm 2010, tập trung làm chậm lại dòng chảy của lao động giá rẻ và thúc giục các công ty tăng năng suất với ít nhân công hơn. "Chúng tôi sẽ không nói về sản lượng nữa, mà nói về hiệu suất. Singapore sẽ là một quốc gia thông minh hơn với các tài nguyên sẵn có. Nền kinh tế đã đủ đa dạng để hỗ trợ việc tiến vào nhiều lĩnh vực thú vị hơn", Wai Ho Leong - nhà kinh tế học tại Barclays cho biết.
Tại Singapore, các lĩnh vực này đều có khu hoạt động riêng với tên gọi thể hiện rõ chuyên môn như Mediapolis, Biopolis, Fusionopolis, thu hút nhiều doanh nhân từ các nước khác tới đây và biến Singapore thành trung tâm sáng tạo. "Tôi từng rất phản đối Singapore vì cảm thấy không có tự do. Mà với sáng tạo, đây là điều rất quan trọng. Nhưng giờ tôi đã nhìn thấy cơ hội tại đây. Và đó là điều họ đang làm được", Saibal Chowdhury - một doanh nhân Ấn Độ cho biết.
Sản xuất tiên tiến, khoa học sức khỏe ứng dụng, các giải pháp đô thị thông minh và bền vững, logistics và hàng không vũ trụ, cũng như các dịch vụ tài chính toàn cầu sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng của Singapore trong những năm tới, Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore cho biết. Chi nhánh đầu tư doanh nghiệp của họ - EDBI đang tìm kiếm cơ hội tại nhiều mảng như sức khỏe số, tiết kiệm năng lượng, Internet of Things (mọi vật đều kết nối bằng Internet) và robot.
"Để đưa quốc gia sang giai đoạn mới, chúng tôi sẽ phải thúc đẩy sáng tạo bằng cách tận dụng khả năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, đồng thời củng cố hợp tác giữa các công ty trong nước và quốc tế", ủy ban này cho biết.
Để đưa kế hoạch Quốc gia thông minh thành hiện thực, Singapore cũng kết hợp với Dassault Systemes để tạo ra đồ họa 3D về Singapore, để các cơ quan Chính phủ, công dân và doanh nhân dựa vào đó phát triển công nghệ. "Mọi người không tin đâu. Họ phải nhìn thấy cơ. Rất nhiều quốc gia và thành phố trên thế giới đều đang nhìn vào cuộc thử nghiệm lớn của Singapore", CEO Dassault Systemes - Bernard Charles cho biết.
Nguồn Vnexpress/Bloomberg