Siberia: Vũ khí bí mật mới của kinh tế Nga
Với tài nguyên khoáng sản kim loại và khí đốt dồi dào, ngày càng nhiều nhà sản xuất dầu mỏ, kim cương, khí đốt và than đá đổ xô tới Siberia để tìm cơ hội kiếm lợi nhuận. Hồi đầu tháng 4 năm nay, thủ tướng Nga Dimitry Medvedev đã yêu cầu nội các xây dựng chương trình phát triển kinh tế Viễn Đông trị giá 16 tỷ USD, dành riêng để phát triển Siberia và các khu vực lân cận từ nay đến năm 2018. Điều này phần nào cho thấy Siberia đang thực sự trở thành khu vực ưu tiên phát triển hàng đầu của chính phủ Nga.
Trong chuyến thăm tới khu vực này hồi tháng 4, thủ tướng Medvedev nhận định Siberia sẽ sớm trở thành trung tâm kinh tế mới, đem lại hàng nghìn tỷ rúp cho kinh tế Nga.
Theo một báo cáo của hãng tin nhà nước Ria Novosti, chính phủ Nga sẽ tập trung tăng cường năng lực đường sắt cho Siberia, đồng thời đầu tư phát triển ngành hàng không, sân bay, cơ sở hạ tầng cảng biển, đường cao tốc và phát triển ngành năng lượng cho khu vực.
Theo giám đốc điều hành (CEO) của En+ Group, tập đoàn chuyên đầu tư khai thác hầm mỏ, kim loại và năng lượng, ông Artem Volynets, sở dĩ Nga muốn tập trung nhiều hơn vào Siberia bởi nó khá gần gũi với các thị trường đang phát triển ở châu Á.
"Do gần với châu Á lại có lượng tài nguyên dồi dào, Đông Siberia sẽ cho phép Nga tận dụng nhu cầu năng lượng và nguyên liệu ngày càng tăng từ các nước châu Á để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực", ông Volynets nói.
Hiện tại, Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thể giới - chủ yếu nhập khoáng sản từ Australia, Brazil và Nam Phi. Những với nguồn tài nguyên ở khoảng cách gần hơn như Siberia, chắc chắn Trung Quốc sẽ không thể bỏ qua. Theo so sánh, việc vận chuyển hàng hóa từ Brazil đến Bắc Kinh mất chừng 35 ngày, Nam Phi mất 20 ngày, Australia mất 14 ngày, trong khi từ cảng Vanino của Siberia chỉ mất 4 ngày.
Nhà phân tích tài chính và kinh tế tại trung tâm nghiên cứu IHS Global Insight, bà Lilit Gevorgyan, cũng cho rằng động thái ưu tiên phát triển Siberia cho thấy Nga đang chuyển hướng nền kinh tế vào thị trường châu Á đang phát triển.
Bên cạnh đó, phát triển Siberia cũng giúp Nga có một chỗ đứng cũng như vai trò kinh tế chính trị nổi bật tại châu Á Thái Bình Dương, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính khiến châu Âu ngày một kiệt quệ.
Kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu Capital Economics, ông Neil Shearing, thì cho rằng đầu tư ở Siberia chỉ là phẩn đỉnh của tảng băng chìm trong kinh tế Nga. Trong thời gian qua, kinh tế Nga đã chậm lại đáng kể và chủ yếu vẫn theo mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu dầu. Do đó, vấn đề lúc này là phải đa dạng hóa cơ cấu phát triển đó và tìm kiếm những lựa chọn khác cho sự tăng trưởng.
Theo thống kê của chính phủ, Siberia hiện chứa tới 80% lượng tài nguyên dầu của Nga, đồng thời chiếm tới 85% lượng khí đốt tự nhiên, 80% than và các tài nguyên quý giá như kim loại quý hay kim cương. Với vị trí đắc địa cùng tài nguyên dồi dào, Siberia dễ dàng trở thành địa điểm ưu tiên hàng đầu của chính phủ Nga trong việc khai thác các nguồn lực tự nhiên khác, ông Neil Shearing nhận định.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay của Siberia chính là nguồn lao động. Dù rộng lớn như vậy, song Siberia chỉ có 6 triệu người, so với tổng dân số 142 triệu người trên toàn nước Nga. Một số nhà phân tích cho rằng nếu không có lực lượng lao động cần thiết, kế hoạch phát triển Siberia của Nga chắc chắn không thể thành hiện thực.
Nguồn CNBC/Dân Việt