Scotland giữa ngã ba đường
Một cuộc trưng cầu dân ý sẽ thay đổi tất cả. Nếu một kết quả bất ngờ diễn ra, Scotland sẽ trở thành một quốc gia độc lập, lần đầu tiên sau 307 năm dưới mái nhà chung cùng Vương Quốc Anh cùng Anh, Bắc Ai-len và Xứ Wales. Hoặc nếu không, thì đây vẫn là sự kiện chính trị mang đến làn gió của sự thay đổi, ít nhất trong mối quan hệ giữa Scotland với phần còn lại của Vương Quốc Anh.
Nhưng nếu không được chào đón như "đứa con trở về", đất nước này sẽ phải đứng giữa ngã ba đường của sự lựa chọn: sử dụng đồng tiền nào sau khi độc lập?
Giới phân tích thường nhắc đến ba sự lựa chọn dành cho Scotland.
Lựa chọn đơn giản nhất là tiếp tục sử dụng đồng bảng Anh. Nếu Scotland đi theo con đường này và chịu sự điều hành trực tiếp của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), thì một liên minh tiền tệ mới sẽ ra đời. Tuy nhiên, các quan chức tại London sẽ mất thời gian để bạn hành những quy tắc cho một liên minh tiền tệ mới như vậy. Chưa kể, lựa chọn này nhiều khả năng sẽ là bất khả thi khi Thủ tướng Anh David Cameron đã bày tỏ quan điểm chính trị rõ ràng rằng, ông muốn Scotland ở lại nhưng trong trường hợp ngược lại, Vương Quốc Anh sẽ không chấp nhận chia sẻ đồng tiền của mình với một Scotland độc lập.
Còn nếu Scotland vẫn sử dụng đồng bảng Anh như hiện tại, nhưng không chịu sự điều hành chính sách tiền tệ trực tiếp của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Scotland sẽ đi theo con đường của Panama và Monaco, những nước đã thực hiện điều tương tự khi sử dụng đô-la Mỹ và euro làm tiền tệ chính thức mà không phụ thuộc trực tiếp vào sự điều hành của Fed hay ECB.
Lựa chọn thứ hai dành cho Scotland thường được nhắc đến hơn cả đó là: chấp thuận việc sử dụng đồng euro. Nhưng vấn đề đặt ra là, sử dụng đồng euro như thế nào, bằng cách gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu hay cứ sử dụng mà không chịu sự điều hành trực tiếp từ Frankfurt (nơi đóng trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB)?
Đây thậm chí là một lựa chọn mất thời gian hơn vì sau khi tách khỏi Vương Quốc Anh, Scotland sẽ không còn là thành viên của Liên minh châu Âu. Vì vậy, để sử dụng đồng euro như 18 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung, Scotland sẽ phải tiến hành các thủ tục gia nhập Liên minh châu Âu, rồi đến khu vực đồng tiền chung lại từ đầu.
Còn nếu chấp nhận trở thành một nền kinh tế bị "euro hóa" và không có sự hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu, Scotland sẽ cần phải có được sự ổn định, quy mô vốn hóa cực lớn trong hệ thống ngân hàng để đối mặt với sự thật là, họ không thể tạo ra thêm thanh khoản. Hơn nữa, trong trường hợp gặp phải khó khăn tài chính, các ngân hàng của Scotland sẽ trở nên quá lớn để Chính phủ của một quốc gia mới độc lập có thể giải cứu. Thực tế là quy mô ngành ngân hàng quá lớn so với nền kinh tế Scotland: trong năm 2013, quy mô bảng cân đối kế toán các ngân hàng của Scotland đã tương đương 1.200% GDP của đất nước này.
Ngân hàng lớn nhất của họ là Ngân hàng Hoàng gia Scotland (Royal Bank of Scotland - RBS), đã suýt phải phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và hiện nay, tỷ lệ sở hữu của Chính phủ Vương Quốc Anh vẫn lên đến 81%. Nếu RBS tự tìm đường tháo chạy khỏi Scotland để trở về Anh, Scotland sẽ mất đi trụ cột lớn nhất trong hệ thống ngân hàng của mình. Ngược lại, nếu RBS ở lại với một Scotland độc lập, Chính phủ Anh sẽ không còn lý do gì để giữ lại 81% vốn ở RBS. Và đó là kịch bản mà không một ngân hàng nào muốn đối mặt.
Để tránh rơi vào rủi ro của thế bị động, Scotland có thể thông qua một liên minh tiền tệ, với bất kỳ ngân hàng trung ương nào mà họ lựa chọn, miễn sao giữ cho giá trị tiền tệ ổn định và cung cấp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng của Scotland.
Lựa chọn thứ ba của Scotland đó là tạo ra một tiền tệ mới của riêng họ. Tuy nhiên, Chính phủ Scotland khó có thể cố định tỷ giá với một quỹ dự trữ ngoại hối eo hẹp sau khi tách khỏi Vương Quốc Anh (phần lớn dự trữ của Scotland nằm ở đáy biển sâu với trữ lượng dầu khí chưa khai thác). Như vậy, tạo ra một tiền tệ mới đồng nghĩa với việc phải thả nổi đồng tiền đó. Hệ quả là lượng lớn dòng vốn sẽ rời khỏi Scotland và quay trở về Anh và lựa chọn đó chẳng khác gì "uống cà phê mà không cho sữa", Neville Hill, giám đốc bộ phận Global Strategy & Fixed Income tại Credit Suisse nhận định.
Đó là những đánh đổi cần thiết cho một nền độc lập và cả ba lựa chọn trên điều có gì không ổn đối với Scotland. Có thể phải lo lắng cho một Scotland non trẻ sau độc lập, nhưng lại không cần quá lo ngại cho những ngân hàng và tổ chức tài chính tại đây. Đơn giản bởi vì họ đã sẵn sàng cho "cuộc tháo chạy" khỏi Scotland.
Hai ngân hàng lớn nhất của Scotland là Lloyd’s và RBS đã tuyên bố sẽ rời đến Anh nếu cuộc trưng cầu dân ý thông qua phương án độc lập. 7% dân số Scotland làm việc trong lĩnh vực tài chính và tạo ra 13% GDP của Scotland (năm 2013). Đó là những thiệt hại có thể đoán trước nếu "cuộc tháo chạy" trở thành hiện thực.
Không chỉ có Lloyd’s và RBS, 8% các doanh nghiệp ở Scotland cho biết có thể rời khỏi Scotland nếu nước này tách ra độc lập. Trong khi đó, 10% các doanh nghiệp khác cũng đang cân nhắc việc di dời đại bản doanh khỏi Scotland.
Nếu như việc di dời trụ sở mất nhiều thời gian thì đồng tiền "có chân" luôn "chạy" nhanh hơn. Trước lo ngại bất ổn xảy ra sau khi Scotland độc lập, 27 tỷ USD đã tháo chạy khỏi Anh trong tháng 8 vừa qua. Đây là lượng vốn chảy ra khỏi một quốc gia lớn nhất trong vòng một tháng kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Con số trên chứng tỏ, vấn đề của Scotland cũng là vấn đề của Vương Quốc Anh.
Trước thềm trưng cầu dân ý, đồng bảng Anh đã giảm khoảng 3% so với đô-la Mỹ. Michael O’Sullivan, trưởng văn phòng đầu tư của Credit Suisse nhận định, xu hướng giảm giá sẽ còn tiếp tục cho đến khi trưng cầu dân ý diễn ra. Tình hình có thể thay đổi nếu số người lựa chọn "không" chiếm đa số, nếu không đồng bảng Anh sẽ phải trải qua khoảng thời gian còn tồi tệ hơn khi những người lựa chọn "có" giành phần thắng.
Nguồn GAFIN/Theo DVO