Chủ Nhật | 28/09/2014 15:13

Sau Scotland, đến lượt Catalonia trưng cầu dân ý độc lập

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy dự kiến tổ chức một cuộc họp nội các khẩn cấp vào thứ Hai để bàn việc ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân này.
Thủ hiến xứ Catalonia, ông Artur Mar, hôm 27/9 đã ký một sắc luật cho phép thự hiện việc trưng cầu ý dân, xem người dân vùng đất này có đồng ý tách khỏi Tây Ban Nha để trở thành một quốc gia độc lập không. Nghị viên bang Catalonia đã chấp thuận sắc luật này.

Thủ tướng Tây Ban Mariano Rajoy dự kiến tổ chức một cuộc họp nội các khẩn cấp vào thứ Hai để bàn việc ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân này thông qua Tòa án Hiến pháp.

Trong nhiều thập niên qua, một phần người dân vùng Catalonia rất muốn được quyền độc lập hoàn toàn, và nghị viện lãnh thổ Catalonia từng chuẩn bị trung cầu ý dân về vấn đề này, diễn ra vào đúng ngày người dân Scotland bỏ phiếu cho nền độc lập của lãnh thổ này.

Nhưng vì chưa chuẩn bị kịp nên cuộc trưng cầu ý dân đó đã bị hoãn lại.

Bây giờ thì ngày ấy đã đến, như lời của ông Artur Mas: “Như mọi quốc gia khác trên thế giới, Catalonia có quyền quyết định nền chính trị trong tương lai của mình. Chúng tôi muốn bỏ phiếu, chúng tôi muốn quyết định số phận của mình và chúng tôi có đủ phương tiện để làm điều đó”.

Trong khi đó, chính phủ TBN khẳng định việc trưng cầu dân ý cho nền độc lập của Catalonia không được ghi nhận trong bản Hiến pháp hiện hành, được ban hành năm 1987. Do vậy, với chính phủ Tây Ban Nha, việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân cho vùng Catalonia độc lập là hoàn toàn vi hiến.

“Không chính phủ hay người nào có thể đứng trên luật pháp vì không người nào có thể đứng trên ý chí về chủ quyền của người dân Tây Ban Nha”, Phó Thủ tướng TBN Saenz de Santamaria nói thế trong cuộc họp báo hôm thứ Bảy.

Ông de Santamaria có vẻ chê trách ông Mas đã quá hấp tấp trong quyết định này: “Chúng tôi rất tiếc và tin rằng quyết định của ngài Thủ hiến là một sai lầm. Điều đó sẽ làm phân hóa xã hội Catalonia, chia rẽ người dân vùng Catalonia và đẩy họ ra xa hơn châu Âu cũng như tinh thần của thời đại”.

Đáp lại, ông Mas tiếp tục khẳng định ông không làm điều gì bất hợp pháp và chỉ tiến hành việc này theo những phương pháp mang tính dân chủ.

Dù đa số người dân Catalonia bỏ phiếu thuận cho việc vùng đất này trở thành một quốc gia có chủ quyền hoàn toàn thì cũng không có nghĩa điều đó trở thành hiện thực ngay lập tức hay trong một thời gian ngắn.

Kết quả ấy chỉ có tác dụng giúp ông Mas thêm chút lợi thế trong việc thương thảo đòi thêm quyền hạn cho vùng đất Catalonia mà thôi.

Ngược lại, Hiệp hội Luật gia Tây Ban Nha cho biết theo luập pháp hiện hành, những ai tham gia việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp có thể phải nhận án tù đến 15 năm.

Nguồn Phụ Nữ Online


Sự kiện