Ảnh: Bloomberg
Sau FlyBe, hãng hàng không Virgin Australia ngã quỵ vì COVID-19
Virgin Australia Holdings trở thành trở thành hãng hàng không đầu tiên của châu Á “ngã quỵ” vì COVID-19, sau khi đại dịch này thổi bay gần như toàn bộ thu nhập của Virgin Australia – một công ty đang mang gánh nặng nợ nần.
Các nhà quản trị tại Deloitte – tổ chức vừa chiếm quyền kiểm soát hãng hàng không Virgin Australia – dự tính tái cấu trúc doanh nghiệp và tìm người chủ mới trong vòng vài tháng tới. Hơn 10 bên đã thể hiện mong muốn tiếp quản công ty, Deloitte cho biết trong ngày thứ Ba (21.4).
Virgin Australia cùng với FlyBe – hãng hàng không nội địa lớn nhất của Anh trước khi sụp đổ trong tháng 3.2020 – nằm trong số những nạn nhân của COVID-19. Các hãng hàng không lâm vào tình cảnh khốn khó bởi các lệnh cấm bay nội địa lẫn quốc tế và buộc họ phải nhờ cậy tới sự trợ giúp của Chính phủ.
Virgin Australia đã sa thải 80% trong tổng số 10.000 nhân viên và sẽ tiếp tục thực hiện một số chuyến bay dành cho những người lao động, hàng hóa quan trọng và những người Australia muốn hồi hương.
Vaughan Strawbridge – 1 trong 4 nhà quản trị tại Deloitte – cho biết số phận của hãng hàng không này có thể được làm rõ trong 2-3 tháng tới. Ông nói không có ý định thay đổi các nghiệp vụ của Virgin Australia hoặc sa thải bất kỳ người lao động nào và có rất nhiều bên muốn tham gia vào quá trình tái cấu trúc này.
Hiện hãng hàng không này còn nợ hơn 5 tỉ AUD (tương đương 3,2 tỉ USD) tại cuối năm 2019. Số phận của Virgin Australia đang treo lơ lửng sau khi buộc phải dừng gần như toàn bộ dịch vụ vì đại dịch COVID-19 và sự thất bại trong việc kêu gọi Chính phủ cứu trợ. Công ty đã xin vay Chính phủ 1,4 tỉ AUD (có thể chuyển thành cổ phiếu) để vượt qua khủng hoảng.
Thay vào đó, Chính phủ kêu gọi các cổ đông của Virgin Australia nhảy vào. Đơn kêu gọi Chính phủ cứu trợ 200 tỉ AUD của Virgin Australia đã bị từ chối trong ngày thứ Hai (20.4), Giám đốc Điều hành Paul Scurrah cho biết trong ngày thứ Ba (21.4).
Hãng hàng không này được các hãng hàng không nước ngoài kiểm soát gần như toàn bộ và là một thử nghiệm độc đáo trong lĩnh vực hàng không. Mỗi hãng Singapore Airlines, Etihad Airways PJSC, HNA Group Co. và Nanshan Group đều sở hữu 20% tại Virgin Australia. Riêng Virgin Group của tỉ phú Richard Branson sở hữu khoảng 10%.
Trong một lá thư gửi tới nhân viên của hãng hàng không Virgin vào ngày thứ Hai (20.4), tỉ phú người Anh này cho biết các công ty hàng không của ông tại Anh và Australia sẽ không sống nổi qua cơn khủng hoảng này mà không có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Ông Branson cho biết đang làm tất cả những gì có thể để giữ Virgin Atlantic Airways – có trụ sở tại Crawley, Anh – tồn tại, nhưng sẽ cần một khoản vay do Chính phủ Anh bảo lãnh để vượt qua cơn giông bão này.
Cuộc chiến sinh tồn của Virgin Australia đã tạo ra mối ác cảm với đối thủ cạnh tranh nội địa tại nước này. Qantas Airways tranh luận rằng Virgin không nên được cứu trợ, trong khi Virgin cáo buộc Qantas vì đã lan truyền thông tin sai lệch về lượng tiền mặt mà Virgin đang có. Tuy nhiên, Qantas đã phủ nhận thông tin này.
Một quản trị viên tự nguyện thường do các giám đốc bổ nhiệm sau khi họ quyết định công ty đang mất khả năng thanh toán hoặc sắp mất khả năng thanh toán. Virgin Australia có khoảng 1,1 tỉ AUD tiền mặt vào cuối năm 2019. Virgin Australia bị Qantas cạnh tranh rất mạnh trong thị trường nội địa và 7 năm qua làm ăn không có lãi.
Cổ phiếu Qantas Airways nhảy vọt tới 7,2% trong ngày thứ Ba (21.4) trước khi giảm bớt và chỉ còn tăng 0,4%.
Ảnh: Bloomberg |
Xét trên toàn cầu, các hãng hàng không có thể mất tới 314 tỉ USD từ tiền bán vé máy bay trong năm 2020, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).
Mặc dù các Chính phủ ở Anh và khắp châu Âu đã nhảy vào hỗ trợ (hoặc cho biết họ dự định làm thế), nhưng Chính phủ Australia phản đối về phương án sở hữu cổ phần tại một hãng hàng không nội địa đang bị mất tiền. Các bộ trưởng cho biết mục tiêu đề ra là có 2 hãng hàng không cạnh tranh ở Australia, nhưng lại chưa hề nhắc tới việc trợ giúp cho Virgin Australia.
Cổ phiếu Virgin Australia đã bị đình chỉ giao dịch trước đó, trong lúc các cuộc đàm phán tái cấu trúc tiếp diễn. Cổ phiếu Virgin Australia dao động ở mức gần 9 xu Úc/cổ phiếu vào ngày 4.4, tức mức vốn hóa của Công ty là 726 triệu AUD.
Trong ngày thứ Ba (21.4), ông Josh Frydenberg, Bộ trưởng Ngân khố Australia, cho biết Nicholas Moore, cựu CEO của Macquarie Group, sẽ thay mặt Chính phủ Australia để tham gia đàm phán cùng với nhóm quản trị viên nhằm tìm ra một giải pháp cho Virgin.
* Chuỗi cung ứng toàn cầu đảo lộn vì đại dịch
* Loạt nỗi lo mới của doanh nghiệp Vũ Hán sau khi dỡ bỏ lệnh phong toả
Nguồn Bloomberg