Thứ Hai | 01/12/2014 08:02

Sau Black Friday, thị trường trông chờ điều gì?

Kết thúc "Ngày thứ 6 đen tối" (Black Friday), thị trường sẽ bước vào tuần bận rộn với nhiều báo cáo kinh tế cũng như một số cuộc họp chính sách.

Đối với Mỹ, thị trường bán lẻ trực tuyến sẽ trở nên vô cùng sôi nổi ngay trong ngày 1/12 với Cyber Monday (Tạm dịch: Ngày thứ 2 điện tử). Trong ngày Cyber Monday, người dân Mỹ tiếp tục có cơ hội mua sắm lớn nhất với hàng giảm giá trong năm thông qua các trang web trực tuyến.

Tuy nhiên, điều khiến giới đầu tư và chuyên gia quan tâm hơn vẫn là những con số cho biết doanh thu bán hàng của khối doanh nghiệp bán lẻ trong mùa mua sắm lớn nhất trong năm. Đây vốn được xem là một chỉ số cơ bản để đo tình hình sức khỏe của nền kinh tế Mỹ cũng như tình hình ổn định tài chính của người tiêu dùng.

Theo Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ, có khoảng 140 triệu người dân Mỹ tham gia mua sắm trong ngày Black Friday với doanh số bán hàng ước tính tăng 4,1% lên 616,9 tỷ USD, cao hơn số liệu của năm ngoái. Doanh số bán hàng trực tuyến dự kiến tăng khoảng 8-11% lên 105 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mức 100 tỷ USD, theo ước tính của Shop.org - trang web đưa ra sáng kiến về ngày Cyber Monday.

Thị trường kỳ vọng rằng, 2 ngày mua sắm "khủng" này sẽ thúc đẩy niềm tin và chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ - một trong những động lực tăng trưởng chính - trong 2 tháng cuối năm.

Trở lại với các báo cáo kinh tế, tuần này thị trường sẽ tập trung vào báo cáo việc làm tháng 11 của Mỹ, dự kiến công bố ngày 5/12. Theo ước tính của Reuters, khối doanh nghiệp và tổ chức đã tuyển dụng thêm 230.000 việc làm trong tháng 11, cao hơn mức 214.000 ghi nhận được trong tháng 10. Tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp có thể vẫn duy trì thấp nhất 6 năm ở 5,8% với thu nhập trung bình tính theo giờ tăng 0,2%.

Những cải thiện đáng kể trên thị trường lao động có thể là yếu tố đã kích thích người dân chi tiêu mạnh trong 2 ngày mua sắm lớn nhất Mỹ vừa qua.

Ngoài ra, thị trường Mỹ sẽ đón nhận một số báo cáo PMI của lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và cán cân thương mại.

Đối với khu vực đồng euro (Eurozone), tâm điểm lớn nhất của thị trường trong tuần này là cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra trong ngày 4/12. Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, ECB sẽ thực hiện chương trình nới lỏng định lượng kiểu Mỹ để kích thích tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Mới đây trong ngày 27/11, Phó Chủ tịch ECB Vitor Constancio cũng đánh tín hiệu cho biết, ECB có thể sẽ mua trái phiếu chính phủ từ quý 1/2015.

Với châu Á, báo cáo PMI của Trung Quốc sẽ đón nhận được nhiều chú ý của giới chuyên gia. Theo đó ngay trong ngày 1/12, chính phủ Trung Quốc và HSBC sẽ đồng loạt đưa ra số liệu chính thức về chỉ số PMI sản xuất của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để các nhà hoạch định chính sách đánh giá tình hình kinh tế sau khi quyết định hạ lãi suất trong tháng 11. Theo dự báo của Reuters, PMI sản xuất chính thức của Trung Quốc sẽ giảm xuống 50 điểm trong tháng 11 từ 50,8 điểm của tháng 10.

Ngoài ra, giới đầu tư châu Á có thể sẽ quan tâm đến báo cáo GDP của Australia, Hàn Quốc cũng như quyết sách tháng 11 của Ngân hàng trung ương Australia.

Nguồn DVO/ Tổng hợp