Thứ Tư | 01/08/2012 18:04

Sản xuất suy giảm khắp châu Á do khủng hoảng

Các nền kinh tế châu Á từ Nhật Bản đến Trung Quốc, Ấn Độ đang gánh chịu thêm tác động từ khủng hoảng châu Âu và suy giảm tăng trưởng ở Mỹ.
Tháng 7 chứng kiến một loạt suy giảm trong sản xuất và xuất khẩu các nước châu Á. Gần đây nhất, sản xuất Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất 8 tháng bất chấp nỗ lực giảm lãi suất và thúc đẩy cho vay của chính phủ Trung Quốc. Chỉ số quản lý mua hàng PMI nước này rớt xuống 50,1 từ 50,2 tháng 6, gần sát mốc 50 phân biệt tăng trưởng và suy giảm sản xuất. Trong khi đó, PMI của HSBC khảo sát chỉ ra sản xuất Trung Quốc suy giảm, mặc dù tăng lên 49,3 từ 48,2 tháng 6.

PMI Trung Quốc (HSBC theo dõi)
Diễn biến chỉ số PMI của Trung Quốc công bố và do HSBC khảo sát.
Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á sau Trung Quốc, Nhật Bản, PMI tháng 7 giảm mạnh xuống 52,9 từ 55 tháng 6.

Trong khi đó, PMI của Nhật Bản giảm 2 điểm xuống 47,9 trong tháng 7, theo số liệu của Markit/JMMA, tệ nhất từ sau thảm họa sóng thần động đất năm ngoái.

Hoạt động khu vực sản xuất của Australia, vốn phụ thuộc nhiều vào việc Trung Quốc mua tài nguyên của nước này, thấp nhất 3 năm trong tháng 7. Chỉ số PMI ngành công nghiệp Australia giảm 6,9 điểm xuống 40,3 tháng trước.

Trong khi đó, xuất khẩu Hàn Quốc giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 7, nhiều nhất từ tháng 10/2009, trong khi lạm phát xuống thấp nhất trong hơn 12 năm. Đài Loan hôm 31/7 cũng tuyên bố kinh tế quý II bất ngờ giảm.

Môi trường thế giới cùng nhu cầu nội địa thấp cũng ảnh hưởng tới Việt Nam, khiến PMI tháng 7 giảm xuống 43,6 từ 46,6 của tháng 6.

Indonesia là nước hiếm hoi đi ngược lại xu hướng, khi PMI tăng 1,2 điểm trong tháng 7 lên 51,4, cao nhất 9 tháng, theo khảo sát của HSBC.

Các dữ liệu yếu kém của châu Á phản ánh phụ thuộc của khu vực vào Mỹ và châu Âu, vốn đang gặp khó khăn từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong khi khủng hoảng nợ ảnh hưởng tới châu Âu đã hơn 1 năm, các tác động này mới chỉ bắt đầu với châu Á khi khiến nhu cầu sản phẩm xuất khẩu từ khu vực suy giảm.

Tuy nhiên, bất chấp suy giảm trong sản xuất, dòng vốn chảy vào khu vực tăng trong vài tuần qua, trước dự đoán các ngân hàng trung ương ở châu Âu và Mỹ nới lỏng thêm. Điều này khiến các quỹ tìm đến châu Á để tìm kiếm các tài sản lợi suất cao hơn, theo Sameer Goel, trưởng nghiên cứu tiền tệ và lãi suất châu Á của Deutsche Bank nhận định.

Tháng trước, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,5% năm 2012 và 3,9% năm 2013. Tuy nhiên, IMF đồng thời cảnh báo dự đoán dự trên 3 giả định: eurozone cùng nhau giải quyết khủng hoảng, Mỹ không thắt chặt chính sách tài khóa quá vội vàng, và các chính phủ thị trường mới nổi hành động kiên quyết thúc đẩy tăng trưởng.

Nguồn WSJ/ Khampha


Sự kiện