Thứ Năm | 23/08/2012 15:40

Sản xuất, dịch vụ eurozone giảm tháng thứ 7 liên tiếp

Điều này chỉ ra khu vực đồng euro (eurozone) tiến gần tới đợt suy thoái thứ 2 trong vòng 3 năm.
Theo dữ liệu sơ bộ dựa trên khoảng 85% trả lời doanh nghiệp trong tháng của cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) hôm nay 23/8, chỉ số quản lý mua hàng PMI tổng hợp, đo lường cả sản xuất và dịch vụ của eurozone tăng nhẹ lên 46,6 từ 46,5 tháng 7. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp chỉ số này dưới mốc 50 phân biệt tăng trưởng và suy giảm, chỉ ra hoạt động kinh doanh sản xuất, dịch vụ giảm. 

PMI sản xuất tăng lên 45,3, cao nhất 4 tháng từ mức 44 tháng 7, chỉ ra sản xuất tiếp tục giảm tháng thứ 13 liên tiếp, nhưng với tốc độ chậm hơn.  PMI dịch vụ ngược lại giảm xuống 47,5 từ 47,9 tháng 7, thấp nhất 2 tháng.

Chỉ số phụ đo lường sản lượng, nhân tố đóng vai trò quan trọng giúp kinh tế eurozone hồi phục từ đợt suy thoái trước, cải thiện khi tăng lên 44,6 từ 43,4. Trong khi đó, các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động nhưng với tốc độ chậm hơn, khi chỉ số phụ đo lường lao động tăng lên 46,2 từ 44,5 tháng trước.

Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là khủng hoảng có vẻ lan sang các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực, khi PMI tổng hợp của Đức giảm xuống 47, thấp nhất 3 năm, và đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp ngành sản xuất, dịch vụ Đức thu hẹp lại. Trong khi đó, sản xuất và dịch vụ của Pháp giảm tháng thứ 6 liên tiếp.

Robb Dobson, nhà kinh tế cao cấp của Markit nhận định dữ liệu PMI sơ bộ tháng 8 củng cố quan điểm cho thấy kinh tế eurozone suy thoái lại trong quý III/2012. Kết hợp dữ liệu tháng 7 và tháng 8 có thể tương ứng với việc GDP giảm 0,5-0,6% so với quý trước. Tình hình chỉ thay đổi nếu dữ liệu tháng 9 tốt hơn đáng kể, ông Dobson cho biết.

Chỉ số PMI và % thay đổi của GDP eurozone từ 1999-2012
Chỉ số PMI và % thay đổi của GDP eurozone từ 1999-2012

Tuy nhiên xét trên phương diện giá cả, ông Dobson cho rằng các nhà sản xuất đang có lợi khi giá nguyên liệu đầu vào giảm. Nhiều khả năng cả các nhà sản xuất và các nhà cung ứng dịch vụ sẽ tiếp tục giảm giá, khiến áp lực lạm phát không phải vấn đề đáng lo ít nhất trong ngắn hạn.

Nguồn Reuter, Markit/ Khampha


Sự kiện