Sản xuất của 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á trái chiều
Cụ thể, ngày 21/8, HSBC và Markit Economics cho biết, chỉ số PMI sản xuất Trung Quốc giảm xuống 50,3 điểm trong tháng 8 từ 51,7 điểm, thấp hơn so với dự báo 51,5 điểm của các chuyên gia. Trong khi đó, chỉ số PMI sản xuất Nhật Bản tăng lên 52,4 điểm từ 50,5 điểm của tháng 7.
Ngoài ra, chỉ số sản lượng sản xuất của Trung Quốc và Nhật Bản cũng lần lượt giảm xuống 51,3 điểm và tăng vọt lên 53,2 điểm trong tháng 8.
Tuy nhiên, chỉ số PMI sản xuất của cả 2 nền kinh tế đều trên ngưỡng 50 điểm, cho thấy ngành sản xuất tiếp tục tăng trưởng.
Tháng 8, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do tăng trưởng tín dụng chậm lại và thị trường bất động sản tiếp tục ế ẩm. Điều này dấy lên đồn đoán, chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường kích thích kinh tế như đẩy mạnh chi tiêu tài chính và nới lỏng tín dụng hơn nữa. Chính phủ Trung Quốc từng nhận định, nền kinh tế nhìn chung đã cải thiện hơn nhưng vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn và áp lực suy thoái khá lớn.
Ngược lại, sản xuất Nhật Bản lấy lại động lực phát triển mạnh hơn nhờ xuất khẩu phục hồi trong quý II. Sản lượng sản xuất và số đơn đặt hàng mới đều tăng mạnh nhất kể từ trước đợt tăng thuế hồi tháng 4. Tăng trưởng việc làm cũng dần ổn định trở lại. Kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ tăng trưởng 2,9% trong quý III sau khi suy giảm mạnh trong quý II.