Sản lượng rượu vang Pháp tăng 10% nhờ Bordeaux hồi phục
Theo Bộ Nông nghiệp Pháp, vụ thu hoạch nho có thể bắt đầu với điều kiện tối ưu tại hầu hết các vùng, và đến 1/10, phần lớn các vườn nho đã được thu hoạch. Tại vùng Bordeaux, điều kiện vệ sinh hoàn toàn phù hợp sau đợt thời tiết ấm và khô hồi tháng 9.
Trong khi đó, Tây Ban Nha dự đoán sản lượng rượu vang và nước nho ép (chưa lên men) sẽ giảm 25% xuống 40,35 triệu hectolitre, còn Liên minh rượu vang Italia dự đoán sản lượng vang của nước này giảm 15% xuống 40,9 triệu hectolitre. Việc này đưa Pháp trở thành nước sản xuất rượu vang lớn nhất thế giới trong năm nay.
Vang trắng
Tại Bordeaux, vùng xuất khẩu rượu vang lớn nhất nước Pháp, sản lượng rượu vang dự báo tăng 52% lên 6,01 triệu hectoliter từ 3,97 triệu hectoliter năm 2013. Vụ thu hoạch nho sản xuất vang trắng đã kết thúc, và việc hái nho sản xuất vang đỏ đã bắt đầu vào cuối tháng 9, theo Bộ Nông nghiệp Pháp.
Sản lượng vang Burgundy (Bourgogne) và Beaujolais có thể tăng 9% lên 2,24 triệu hectoliter từ 2,06 triệu hectoliter năm 2013. Thời tiết tháng 9 thuận lợi mang lại màu sắc tối ưu cho quả nho, thậm chí sau đợt mưa đá hồi tháng 6 đã gây thiệt hại cho cây nho tại Cote d’Or, Burgundy.
Những vườn nho Grand Cru ở Burgundy là vùng đất trồng nho đắt nhất của Pháp, với giá cả năm ngoái tăng 5,3% lên trung bình 4 triệu euro (5,07 triệu USD)/ha. Vùng này nổi tiếng thế giới với các loại rượu vang đắt nhất thế giới, đứng đầu là Domaine de la Romanee-Conti, theo xếp hạng của Wine-Searcher.
Tại Charentes, quê hương cognac, sản lượng cognac dự đoán tăng 12% lên 8,82 triệu hectoliter từ 7,88 triệu hectoliter năm 2013, thời tiết khô ấm trong tháng 9 đã giúp ngăn ngừa sự phát triển của bệnh nấm botrytis và mindiu trên cây nho.
Chưng cất Cognac
Việc thu hoạch nho Ugni Blanc được sử dụng để chưng cất cognac bắt đầu từ cuối tháng 9 với trái nho to hơn thường lệ bù đắp cho số lượng quả giảm sút, Bộ Nông nghiệp cho biết. Nhãn rượu Cognac của các nhà sản xuất pháp gồm Remy Martin của Remy Cointreau SA.
Tại Alsace, sản lượng dự đoán tăng 7% lên 1,07 triệu hectolit từ 993.000 hectoliter năm 2013.
Tại vùng Champagne, sản lượng dự tính tăng 13% lên 3,2 triệu hectoliter. LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton SA, trụ sở tại Paris, là nhà sản xuất champagne lớn nhất thế giới với các nhãn hiệu kể cả Moet & Chandon và Dom Perignon.
Nguồn Theo DVO/Bloomberg