Ảnh: SCMP

 
Hà Linh Thứ Năm | 12/12/2019 06:28

Samsung đóng cửa nhà máy cuối cùng tại Trung Quốc, cộng đồng địa phương loay hoay tìm kế sinh nhai mới

Việc Samsung đóng cửa nhà máy tại Huệ Châu, Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp địa phương tại đây lao đao vì mất khách.

60% các nhà hàng, doanh nghiệp trong vùng đã phải đóng cửa

Nhìn ra từ nhà hàng nhỏ của mình ở thành phố Huệ Châu phía bắc châu thổ Châu Giang của Trung Quốc, bà Li Bing nhớ về những ngày các nhóm khách hàng từ một nhà máy nhỏ gần đó. Tuy nhiên, từ hai tháng nay, bàn ghế trong nhà hàng thường trống trơn. Không riêng gì nhà hàng của bà Li, các nhà hàng khác xung quanh khu phức hợp Jinxinda, tại thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, cũng gặp cảnh đìu hiu tương tự.

Nguyên nhân là do việc Samsung đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của hãng này tại Trung Quốc.

Những năm qua, nhà hàng của bà Li đã được hưởng lợi từ sức chi tiêu của hàng ngàn công nhân tại nhà máy Samsung. Cùng với đó, Samsung còn xây dựng nên một hệ thống thương mại, kinh doanh với nhiều doanh nghiệp khác tại địa phương trong suốt 30 năm qua.

“Trước khi nhà máy Samsung chuyển đi, doanh thu của chúng tôi có thể đạt 60.000 - 70.000 Nhân dân tệ một tháng, nhưng bây giờ chúng tôi chỉ có thể kiếm được vài trăm Nhân dân tệ mỗi tháng với khoảng 2,3 bàn khách mỗi tối”, bà Li cho biết.

Sau khi nhà máy Samsung đóng cửa, những người kinh doanh như bà Li phải tính đến nên làm gì tiếp theo. Trong khi đó, nhiều nhân viên của nhà máy Samsung đã viết trên mạng xã hội rằng họ đã phải rời đi một cách miễn cưỡng. Họ nhận được điện thoại thông minh và đồng hồ mới nhất như một phần của gói bồi thường.

Do không có nhà máy nào thế chỗ của Samsung nên ít nhất 60% các nhà hàng, doanh nghiệp trong vùng đã phải đóng cửa, và tỷ lệ này sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới nếu tình hình không được cải thiện.

Không chỉ các nhà hàng mà các công ty môi giới bất động sản cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Huang Fumin, giám đốc bán hàng của Công ty Môi giới Bất động sản Ngôi sao Huệ Châu cho biết, có khoảng 100 tòa nhà dân cư địa phương, sáu đến bảy tầng, khoảng 1.000 mét vuông, hầu hết cho các công nhân của Samsung thuê.

Trong gần 30 năm qua, Samsung đã xây dựng nên chuỗi cung ứng hoàn thiện với các doanh nghiệp trong khu vực. Ảnh: SCMP
Trong 20 năm qua, Samsung đã xây dựng nên chuỗi cung ứng hoàn thiện với các doanh nghiệp trong khu vực. Ảnh: SCMP.

Ngay sau khi nhà máy Samsung đóng cửa, giá ngay lập tức giảm từ 4,8 triệu Nhân dân tệ (680.000 USD) trong tháng 8 xuống 3,8 triệu Nhân dân tệ (540.000 USD) những vẫn không có ai quan tâm”.

"Trước đây, các tòa nhà dân cư này có rất nhiều công nhân của Samsung và các nhà máy gần đó. Dù muộn thế nào, những người lao động trẻ đến và đi, ăn tối tại nhà hàng và chơi game trực tuyến trong các quán bar internet. Bây giờ nó trông giống như một thị trấn ma vào ban đêm vì hầu hết ngôi nhà đều trống không", Fumin nói.

Các công ty làm việc cầm chừng

Samsung là một trong những hãng sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới. Do đó, trong hơn 20 năm qua, Nhà máy Huệ Châu đã xây dựng một hệ sinh thái về chuỗi cung ứng tại Quảng Đông và các tỉnh lân cận.

Ông Liu Kaiming, Giám đốc Viện ICO - Chuyên nghiên cứu tình hình hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc, nói rằng co ít nhất 100 nhà máy tại Quảng Đông sẽ phải đóng cửa bởi họ chẳng thể hoạt động nếu thiếu Samsung, đó là chưa kể đến khu vực kinh doanh, thương nghiệp, hàng quán trong vùng.

Việc Samsung rời bỏ Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới tận thành phố Đông Hoản, nơi cách Huệ Châu 100km. Hàng nghìn công nhân tại tập đoàn robot Janus Intelligent đã phải giảm giờ làm do thiếu đơn đặt hàng. Một số người đã bị yêu cầu tạm nghỉ 3-4 tháng trong khi số khác chỉ được làm 1-2 ngày mỗi tuần. Nguyên nhân là do khách hàng chính của họ - Samsung đã đóng cửa nhà máy của mình tại Trung Quốc.

Năm 2018, Janus đã công bố khoản lỗ lên tới 2,86 tỷ Nhân dân tệ, do Samsung đã tạm dừng các đơn đặt hàng từ quý IV năm 2018.

Vào tháng 9, Janus đã bán phần lớn vốn chủ sở hữu trong nhà máy Đông Hoản cho hãng Firstar Panel Technology. Trong ngày làm việc đầu tiên của tháng 12, nhiều công nhân rơi vào tình cảnh không có việc để làm.

"Chúng tôi mới đi làm được bốn tiếng sáng nay và sau đó được bảo là được nghỉ cả ngày và không cần phải làm việc. Các quản lý cho biết không có đủ nguyên liệu sản xuất", một nữ công nhân từ tỉnh Tứ Xuyên cho biết.

Nhà máy Samsung cuối cùng tại Trung Quốc đã đóng cửa vào tháng 10/2019. Ảnh: SCMP
Nhà máy Samsung cuối cùng tại Trung Quốc đã đóng cửa vào tháng 10/2019. Ảnh: SCMP

Vài năm trước, với lượng đơn hàng đều đặn từ Samsung, nhà  máy này đã phải thuê hơn 10.000 công nhân. Các nhà máy của Janus nằm ở hai bên đường, các trạm xe buýt gần đó cũng được đặt theo tên của công ty.

“Vào đợt cao điểm, nhà máy đã thuê hơn 40 tòa nhà sáu tới bảy tầng gần đó làm ký túc xá cho nhân viên, nhưng giờ đây nó đã giảm xuống còn khoảng 20", ông Liu Fang, người làm việc tại nhà máy trong hơn 5 năm, cho biết .

Quay trở lại với Huệ Châu, chính quyền địa phương vẫn chưa xác nhận kế hoạch mới cho nơi này, điều mà người dân địa phương mong muốn.

Ông Li Hua, một chủ cửa hàng tiện lợi, cho biết, "sức chi tiêu của người tiêu dùng địa phương ngày một giảm sút, hoạt động kinh doanh của chúng tôi đã giảm ít nhất 80% so với tháng 8. Một lượng lớn công nhân đã bỏ đi từ tháng 9"...

►Sự ra đi của Samsung là đòn giáng mạnh vào ngành sản xuất Trung Quốc

Chia tay Trung Quốc, Samsung thừa nhận thất bại tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới

Samsung đóng cửa nhà máy smartphone cuối cùng tại Trung Quốc

Nguồn SCMP