Sai số liệu, GDP Trung Quốc tăng thêm 1.000 tỷ USD?
Từ lâu nay, một số nhà kinh tế học đã tỏ ra hoài nghi trước các số liệu về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, báo cáo này đặc biệt ở chỗ đã đưa ra được một con số cụ thể.
Theo Christopher Balding - giáo sư tại trường Kinh doanh HSBC trực thuộc Đại học Bắc Kinh đồng thời là tác giả của báo cáo trên, rõ ràng là có những bằng chứng xác đáng cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã bị thổi phồng. Balding khẳng định GDP của Trung Quốc đã được tăng thêm khoảng 8 - 12%, tương đương với 1.000 tỷ USD.
Vị giáo sư này đã nghiên cứu các dữ liệu trong khoảng thời gian 2000 - 2011 và phát hiện ra rằng số liệu lạm phát bị bóp méo theo cách điều chỉnh các số liệu khác như GDP và thu nhập khả dụng.
"Nếu như dữ liệu về lạm phát không chính xác hoặc bị làm giả trên quy mô lớn, điều này sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều số liệu kinh tế và tài chính khác. Sẽ có sự chênh lệch khổng lồ qua thời gian", Balding nói.
Báo cáo chủ yếu tập trung vào dữ liệu lạm phát trên thị trường nhà đất - một trong những nhân tố chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nền kinh tế bùng nổ của Trung Quốc đã tạo nên dòng người di cư từ vùng nông thôn ra các thành phố đang ngày càng phát triển, tạo nên bong bóng bất động sản. Trong khi đó, số liệu thống kê chính thức lại cho thấy giá nhà ở nông thôn tăng nhanh hơn giá nhà ở thành phố.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc, giá nhà ở vùng nông thôn Trung Quốc tăng trung bình 1,67% mỗi năm, cao gấp 3 lần so với tốc độ trung bình của thành thị (0,53%).
Thêm vào đó, số liệu thống kê chính thức cũng cho thấy giá nhà ở Trung Quốc chỉ tăng ở tốc độ khiêm tốn 8,14% trong suốt chu kỳ 11 năm. Điều này là vô lý khi Trung Quốc đã chứng kiến thị trường nhà đất bùng nổ và GDP thực tăng gấp 5 lần.
Nhiều nhà phân tích khác cũng luôn tỏ ra thận trọng trước các số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc. Qinwei Wang, - chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics, cho biết mức chênh lệch giữa số liệu được công bố bởi chính phủ Trung Quốc và số liệu tính toán của Capital Economics ngày càng lớn, đặc biệt là trong năm 2012. Tổ chức này nhận định nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm với tốc độ nhanh hơn so với báo cáo. Tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn khoảng 1 - 2% so với số liệu chính thức.
Balding hi vọng nghiên cứu của ông sẽ giúp thay đổi cách xử lý số liệu của chính phủ Trung Quốc. "Lãnh đạo Trung Quốc thực sự đang gặp khó khăn với các số liệu. Thậm chí, tôi không nghĩ rằng họ thực sự biết được điều gì đang diễn ra ở đất nước của mình. Báo cáo này sẽ thúc đẩy chính phủ Trung Quốc đưa ra số liệu chính xác hơn để có bức tranh chân thực về nền kinh tế".
Nguồn CafeF