Thứ Tư | 12/12/2012 12:15

Sắc màu tương phản ở 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á

Trong khi Nhật Bản buộc phải tìm cách thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại thì kinh tế Trung Quốc đang dần thoát khỏi tình trạng giảm tốc.
Nguy cơ suy thoái cận kề của Nhật Bản

Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội ngày 16/12, Nhật Bản đã phải đón nhận các số liệu không mấy lạc quan. Cụ thể, ngày 10/12, Nhật Bản xác nhận kinh tế tăng trưởng âm trong quý III, làm dấy lên lo ngại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang rơi vào tình trạng suy thoái.

Số liệu chính thức công bố không khác số liệu đưa ra hồi tháng 11, theo đó tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý từ tháng 7 đến tháng 9 đã giảm 0,9% so với quý trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự hỗn loạn tài chính ở châu Âu, đồng yen tăng giá mạnh ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu đồng thời quan hệ ngoại giao căng thẳng với đối tác thương mại lớn là Trung Quốc đã tác động mạnh đến kinh tế Nhật Bản, đẩy lùi những hy vọng nền kinh tế này đã củng cố được đà phục hồi sau thảm họa động đất và sóng thần năm ngoái.

Thặng dư tài khoản vãng lai trong tháng 10 giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 376,9 tỷ yên (4,56 tỷ USD).

Đánh giá thực trạng kinh tế Nhật Bản hiện nay, bà Evelyne Dourille Feer từ Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng kinh tế quốc tế của Pháp, cho rằng kinh tế Nhật Bản đã khởi sắc trở lại trong quý I với tốc độ tăng trưởng 5,7% nhờ tiêu thụ nội địa và chi tiêu công tăng nhanh.

Sang quý II tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại nhưng đến quý III thì giảm mạnh mà hai nguyên nhân chính là thị trường châu Âu và Trung Quốc giảm nhập khẩu hàng của Nhật Bản; đầu tư của các doanh nghiệp sụt giảm và chi tiêu của các hộ gia đình chững lại. Tới quý IV, nếu may mắn, tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản sẽ là 0, song nếu bị giảm âm, về mặt kỹ thuật, Nhật Bản rơi vào suy thoái.

Nhìn chung, tăng trưởng cả năm của Nhật sẽ vào khoảng 1,6% - con số không quá gây thất vọng trong bối cảnh khó khăn kinh tế toàn cầu hiện nay và dân số ngày càng già hóa.

Tín hiệu tăng tốc từ Trung Quốc

Trái lại, các số liệu kinh tế của Trung Quốc được công bố gần đây lại cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Á đang dần phục hồi sau khi kinh tế quý III chỉ tăng trưởng 7,4%, ghi dấu quý tăng trưởng chậm lại thứ bảy liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ quý 1/2009.

Đối với ngành công nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp Trung Quốc tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 11, dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần thoát khỏi tình trạng giảm tốc thời gian qua.

Tính chung trong 11 tháng đầu năm giá trị sản lượng công nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ năm 2011, củng cố cho xu hướng kinh tế đang bắt đầu tăng tốc trở lại nhờ những biện pháp kích thích tăng trưởng cũng như chính sách nới lỏng của Bắc Kinh.

Để vực dậy nền kinh tế có phần "uể oải" bởi tác động từ sự suy thoái toàn cầu, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng trong năm nay, trong đó có hai lần cắt giảm lãi suất cơ bản, nới lỏng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, phê chuẩn các dự án cơ sở hạ tầng tổng giá trị hơn 1.000 tỷ Nhân dân tệ.

Trong quý IV/2012, sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế vẫn được kỳ vọng, với nhịp độ tăng trưởng kinh tế tiềm tàng của Trung Quốc vẫn khoảng 8%. Hơn nữa, tình hình tài chính của Trung Quốc khá vững chắc khi tỷ lệ nợ công tính trên GDP vẫn dưới 60%. Thêm vào đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vẫn có khả năng hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất cơ bản, hiện ở mức 20% và 6%/năm, mà không sợ gây ra lạm phát.

Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc, ông Trương Bình cho biết mặc dù đã tăng trưởng chậm lại, song GDP của Trung Quốc vẫn có thể tăng trưởng trên 7,5% trong năm 2012.

Còn "Sách Xanh kinh tế: phân tích và dự báo tình hình kinh tế Trung Quốc năm 2013" của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự báo tốc độ tăng GDP của Trung Quốc năm 2013 đạt khoảng 8,2% và chỉ số CPI dự kiến dao động trong khoảng 3%.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện