Cổ phiếu PacWest giảm hơn 50%, nỗi lo khủng hoảng ngân hàng xâm chiếm tâm trí các nhà đầu tư. Ảnh: Newser.
Sắc đỏ tiếp tục bao trùm bảng điện tử chứng khoán Mỹ
Các chỉ số chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày thứ 5 (4/5) khi nỗi lo về cuộc khủng hoảng ngân hàng đã hoàn toàn bao phủ tâm trí các nhà đầu tư Phố Wall.
Đóng cửa phiên, chỉ số Dow Jones giảm 286,50 điểm, tương đương 0,86%, xuống còn 33.127,74 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 0,72% còn 4.061,22 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,49% xuống 11.966,40 điểm. Phiên giao dịch này trở thành phiên giảm thứ 4 liên tiếp của thị trường chứng khoán Mỹ.
Các cổ phiếu Boeing, Disney, Goldman Sachs và American Express sụt giảm đã gây áp lực lên chỉ số Dow Jones. Với phiên giảm thứ 4 này, những thành quả tích cực của Dow Jones từ đầu năm đến giờ đã “không cánh mà bay”.
Cộng thêm phiên giảm này, những thành quả tích cực từ đầu năm đến hiện tại của chỉ số Dow Jones đã hoàn toàn "bốc hơi". Ảnh: CNBC. |
Cổ phiếu PacWest giảm hơn 50% sau khi có thông tin ngân hàng này đang xem xét các lựa chọn chiến lược, bao gồm cả việc bán lại. Đây được xem là tin xấu trong ngành ngân hàng, nhiều người lo ngại rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng đã bắt đầu hình thành chuỗi domino đổ.
Các cổ phiếu ngân hàng khu vực cũng bị bán tháo mạnh khi quỹ SPDR S&P Ngân hàng Khu vực ETF (KRE) giảm hơn 5%. Cổ phiếu ngân hàng Zions Bancorporation giảm 12% trong khi cổ phiếu Western Alliance giảm 38% và có nhiều thời điểm tạm ngừng giao dịch trong phiên.
Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vẫn còn dao động trong tâm trí các nhà đầu tư. Mặc dù ngày hôm qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói việc cắt giảm lãi suất sẽ không diễn ra trong năm nay do lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu, nhưng nhiều ý kiến vẫn tin rằng các biến động gần đây của giới ngân hàng sẽ là cơ sở để Fed suy nghĩ đến dừng thắt chặt lãi suất.
“Tôi nghĩ biến động này sẽ giúp Fed giải quyết một phần nào đó của các vấn đề kinh tế và lãi suất hiện nay… Các ngân hàng khu vực sẽ phải bảo toàn vốn. Tôi không nghĩ rằng dòng tiền trong hệ thống sẽ chảy dễ dàng như thời gian qua trong nửa cuối năm nay. Việc này sẽ gián tiếp làm hạ nhiệt nền kinh tế, như vậy nhiệm vụ giảm lạm phát của Fed cũng sẽ bớt gánh nặng”, ông Keith Apton, Giám đốc Điều hành tại UBS Wealth Management nói.
Báo cáo việc làm tháng 4 sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 5/5, bao gồm bảng lương, tỉ lệ việc làm và tỉ lệ thất nghiệp. Báo cáo này luôn được xem là thước đo về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm:
Chứng khoán Mỹ "đỏ lửa" sau quyết định nâng mức lãi suất của Fed