Rút dần QE: Mức đồng thuận mới của Fed
Trong lúc chỉ số S&P 500 tăng lên mức cao kỷ lục 1.812,1 điểm, một nhóm các quan chức hàng đầu của Fed, những người có ảnh hưởng lớn đến chính sách tiền tệ của nước này, cũng vừa đồng loạt lên tiếng ủng hộ phương án rút khỏi chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương.
Một trong những phát biểu gây bất ngờ là của ông James Bullard. Vị chủ tịch Fed ở St. Louis này, hôm thứ Hai, đã nói sẽ ủng hộ một sự "cắt giảm nhẹ" đối với gói nới lỏng định lượng. Ông Bullard trước đó luôn phản bác kế hoạch rút lui của Fed với lý do là nền kinh tế chưa đủ sức để có thể tự hồi phục, và bởi lạm phát vẫn còn quá thấp.
Bullard nói rằng, quyết định giảm nhịp mua trái phiếu tại cuộc họp hai ngày 17-18/12 tới sẽ là sự thừa nhận những cải thiện lớn trên thị trường lao động kể từ khi chương trình này bắt đầu hồi tháng 9 năm ngoái, trong khi vẫn cho phép Ngân hàng Trung ương có thể linh hoạt nới lỏng trở lại, tất nhiên là với điều kiện lạm phát tiếp tục thấp xa so với mục tiêu 2% của Fed.
Vị quan chức Fed ở St. Louis cho biết, các nhà đầu tư hầu như chắc chắn sẽ không mất cảnh giác nếu Fed bắt đầu cắt giảm lưu lượng mua tài sản trong tương lai gần.
"Nếu chúng tôi cắt giảm sớm, tôi thực sự nghĩ rằng, các thị trường tài chính sẽ tiêu hóa được điều đó", ông Bullard nói với một nhóm các chuyên gia tài chính ở St. Louis. "Chúng tôi có cắt giảm gói QE3 thì cũng là để hưởng ứng những dữ liệu kinh tế mạnh hơn, và vì thế, tôi nghĩ, các thị trường cũng sẽ thoải mái chấp nhận".
Hai quan chức cấp cao khác của Ngân hàng Trung ương Mỹ từng có thời gian dài phản đối chương trình nới lỏng định lượng là Chủ tịch Fed ở Richmond, ông Jeffrey Lacker và Chủ tịch Fed ở Dallas, ông Richard Fisher. Cả hai ông này, hôm thứ Hai, đều nói rằng, các rủi ro của việc tiếp tục chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã vượt quá những lợi ích mà nó mang lại.
Chủ tịch Esther George của Fed Kansas City, người chưa bao giờ ủng hộ gói kích thích tiền tệ, hôm thứ Sáu tuần trước, đã bày tỏ sự đồng tình với Chủ tịch Fed Charles Plosser ở Philadelphia, rằng: "Chúng ta hãy chấm dứt chính sách này, sớm bao nhiêu, tốt bấy nhiêu". Tuy nhiên, không phải tất cả lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Mỹ đều nhiệt tình với phương án cắt sớm gói QE3, và trong khi một số nhà kinh tế tin rằng Fed có thể làm việc đó ngay trong tuần tới, các lãnh đạo này vẫn nghĩ Fed sẽ đợi đến tháng 1 hay tháng 3 sang năm để chắc chắn về xu hướng cải thiện trên thị trường lao động.
Scott Anderson, Kinh tế trưởng của Bank of the West ở San Francisco, nhận xét, ý kiến của Chủ tịch Bullard cho thấy, Fed đang tiến gần hơn đến một thay đổi chính sách, mặc dù kinh tế gia này vẫn dự báo Fed sẽ chỉ làm việc đó trong năm tới.
Fed đã giữ mức lãi suất thấp gần bằng không trong 5 năm qua và gia tăng bảng cân đối của mình lên gần 4.000 tỷ USD nhằm thúc đẩy đầu tư, tạo việc làm và tăng trưởng. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm còn 7% từ mức cao 10% trong khủng hoảng. Các nhà tuyển dụng ở Mỹ đã bổ sung thêm 203.000 việc làm cho bảng lương của họ trong tháng 11 vừa qua, nhiều hơn mức dự báo của các nhà kinh tế.
"Sự tiến bộ trên thị trường lao động là không thể phủ nhận và trong cuộc họp tới đây, Fed nên tính đến chuyện giảm nhẹ gói QE3", Bullard nói. "Nếu chẳng may lạm phát lại giảm ra xa mức mục tiêu, Fed có thể tạm dừng việc cắt giảm đó tại cuộc họp tiếp theo".
Bullard cũng nói rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy, chính sách nới lỏng định lượng đã thổi lên những bong bóng mới trong nền kinh tế Mỹ. Một khu vực có thể đáng ngại, theo Bullard, là thị trường trái phiếu, nhưng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đã tăng lên từ đầu năm nay.
Trong khi đó, phát biểu tại Charlotte, Bắc Carolina, ông Lacker cho rằng, chương trình mua trái phiếu của Fed không còn giúp được gì cho nền kinh tế trong việc khôi phục tăng trưởng và năng suất, trong khi nếu tiếp tục sẽ làm tăng quy mô bảng cân đối và do đó làm cho quá trình rút lui sau này trở nên khó khăn hơn.
Nguồn NDH