Thứ Ba | 15/04/2014 13:38

Rủi ro vỡ nợ tăng, Trung Quốc thắt chặt giám sát quỹ tín thác

CBRC yêu cầu chủ sở hữu của 68 công ty tín thác chuẩn bị cấp thêm vốn hoặc bán cổ phần vì rủi ro vỡ nợ tăng lên.
Theo Bloomberg News, Ủy ban quản lý ngân hàng Trung Quốc (CBRC) cho biết, các công ty tín thác hoặc phải hạn chế hoạt động kinh doanh và giảm tài sản ròng hoặc yêu cầu các cổ đông bổ sung vốn khi bị thua lỗ. Bắt đầu từ năm 2014, Ủy ban cũng sẽ áp dụng thủ tục phê duyệt nghiêm ngặt đối với các công ty tín thác khi muốn thâm nhập vào các lĩnh vực kinh doanh và sản phẩm mới.

Trung Quốc đang đẩy mạnh quy định của ngành ngân hàng sau khi tránh được vụ vỡ nợ quỹ tín thác đầu tiên trong ít nhất 1 thập kỷ vào tháng 1. Công ty Haitong Securities ước tính, số nợ trị giá khoảng 5,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (NDT) (853 tỷ USD) sẽ đáo hạn trong năm nay, cao hơn so với mức 3,5 nghìn tỷ NDT trong năm 2013. Haitong cảnh cũng báo rằng, các công ty tín thác không còn khả năng gánh vác tất cả các rủi ro gắn với những đảm bảo tiềm ẩn liên quan đến các quỹ tín thác.

Ngân hàng trung ương cam kết sẽ hạn chế rủi ro trước khi chúng biến thành khủng hoảng hệ thống.

CBRC cho biết, tuyên bố được áp dụng đối với tất cả các chi nhánh của CBRC và công ty tín thác và cơ quan này giám sát. CBRC cũng cấm các cá nhân sử dụng số tiền không phải là của riêng để mua các sản phẩm tín thác- thường yêu cầu đầu tư tối thiểu là 3 triệu NDT. CBRC kêu gọi các công ty tín thác tiết lộ đầy đủ những rủi ro trong quá trình bán hàng của họ và tiến tới sử dụng băng ghi âm hoặc ghi hình để lưu giữ hồ sơ.

Bằng cách cung cấp lợi nhuận nhiều hơn so với tiền gửi ngân hàng, các quỹ tín thác đã trở nên phổ biến trong giới đầu tư giàu có của Trung Quốc và vượt mặt các công ty bảo hiểm để trở thành phân khúc lớn nhất xét về tài sản của lĩnh vực tài chính sau các ngân hàng. Tài sản tín thác tăng hơn bốn lần tính từ đầu năm 2010 ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách hạn chế dòng vốn chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng chính thức.

Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực tài chính khiến nhiều nhà đầu tư dễ bị thua lỗ do suy thoái kinh tế Trung Quốc gây khó khăn cho những người vay trả nợ.

Theo công ty China Securities, ít nhất 20 sản phẩm tín thác đã rơi vào tình trạng khó thanh toán kể từ năm 2012. Tất cả các sản phẩm đã tránh được nguy cơ vỡ nợ do tổ chức phát hành hoặc bên thứ ba như các nhà quản lý xấu cho vay thuộc nhà nước và công ty bảo hiểm cuối cùng cũng hoàn trả đầy đủ số nợ cho giới đầu tư.

CBRC đã yêu cầu các chi nhánh giám sát rủi ro trong các lĩnh vực như công cụ tài chính của chính phủ trung ương, bất động sản, khai thác mỏ và các ngành công nghiệp có công suất dư thừa.

Theo tài liệu Bloomberg đăng tải, các công ty tín thác nên thiết lập cơ chế để giải quyết khủng hoảng. CBRC cũng đang nghiên cứu thành lập quỹ ổn định tín thác để tránh các cú sốc hệ thống từ sự sụp đổ của các cơ sở tài chính.

Nguồn Gafin/ Bloomberg/ NCDT


Sự kiện