Rủi ro đối với đồng USD ngày càng tăng
Theo hãng tin "Project syndicate" ngày 28/1, các chính sách tài khoá và tiền tệ hiện nay của Mỹ là không bền vững. Nợ ròng của chính phủ Mỹ tính theo GDP đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua và vẫn tiếp tục tăng cho dù kinh tế Mỹ có hoàn toàn phục hồi và lãi suất quay trở lại mức bình thường.
Dân số Mỹ đang ngày càng lão hoá sẽ khiến các khoản phúc lợi xã hội tăng nhanh chóng, khiến nợ chính phủ tăng lên hơn 100% GDP. Hơn nữa, chính sách mua tài sản của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang làm tăng dự trữ của các NHTM lên cao gần 2.000 tỷ USD và khiến lãi suất thực của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm bị âm. Như Fed đã thừa nhận, điều này phải dừng lại và thay đổi.
Mặc dù diễn biến tương lai của sự mất cân bằng này vẫn chưa rõ ràng nhưng kết quả cuối cùng sẽ là việc lãi suất dài hạn tăng và giá trị đồng USD sụt giảm mạnh, chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài không muốn tiếp tục tăng mua nợ của Mỹ.
Hai luận cứ cho rằng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới và đồng tiền này ít rủi ro hơn các đồng nội tệ khác đều không thuyết phục. Thứ nhất, quy chế đồng tiền dự trữ không thể bảo vệ đồng USD. Từ cuối những năm 1990, nhiều quốc gia và lãnh thổ khu vực châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore đã tích tụ được lượng dự trữ ngoại tệ đủ lớn, trên 2.000 tỷ USD, trong khi của Trung Quốc là hơn 3.000 tỷ USD nên các quỹ dự trữ trở nên không cần thiết. Theo lời cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp những năm 1960 Valéry Giscard d'Estaing thì đồng USD không còn là một "đặc quyền cắt cổ" do đồng USD đã trở thành đồng tiền dự trữ hợp pháp.
Luận cứ thứ hai cho rằng, dù đồng USD không còn được bảo vệ do là đồng tiền dự trữ, đồng tiền này vẫn an toàn hơn các đồng nội tệ khác. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lớn không bao giờ đặt toàn bộ quỹ đầu tư của họ vào một đồng tiền duy nhất. Họ đa dạng hoá danh mục đầu tư vào nhiều đồng tiền khác nhau và nhiều kiểu tài sản tài chính khác nhau. Do vậy, dù đồng USD vẫn được coi là tài sản an toàn nhất, nhu cầu đối với đồng tiền này sẽ giảm nếu độ an toàn tương đối của nó suy giảm.
Việc các chủ nợ nước ngoài nắm trái phiếu đồng USD quan ngại rằng tình hình bất ổn tại Mỹ có thể dẫn đến lãi suất cao hơn và một đồng USD yếu hơn, họ sẽ bán trái phiếu đồng USD. Nếu tâm lý này lan rộng, giá trị của đồng USD và trái phiếu đồng USD có thể cùng giảm mà không cần có sự thay đổi ròng trong việc nắm giữ số tài sản này.
Trong thập kỷ qua, giá trị thương mại thực tế của đồng USD đã giảm hơn 25%, bất chấp những khó khăn kinh tế tại châu Âu và các nước khác. Dù có một tỷ giá hối đoái cạnh tranh hơn, Mỹ vẫn tiếp tục bị thâm hụt tài khoản vãng lai lớn. Nếu những nỗ lực nhằm giảm những mất cân bằng tài chính và hạn chế mức tăng dự trữ ngân hàng không thành công, việc giảm nhu cầu đối với giá trị bằng đồng USD có thể khiến đồng USD giảm giá nhanh hơn và lợi tức đối với chứng khoán đồng USD tăng lên.
Mới đây, Chủ tịch FED Ben Bernanke đã tuyên bố, FED vẫn tiếp tục triển khai chương trình mua lại trái phiếu trị giá 85 tỷ USD mỗi tháng và chính sách lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng kinh tế. Điều này cũng khiến cho giá trị đồng USD sụt giảm.
Nguồn Thời báo ngân hàng