Chủ Nhật | 22/07/2012 14:16

Rủi ro đổ vỡ trên thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh qua 2 thập kỷ

Nghiên cứu cho thấy nguy cơ xảy ra một vụ đổ vỡ trên thị trường chứng khoán đã tăng gấp 15 lần trong 2 thập kỷ qua.
Nghiên cứu của Thijs Markwat, nhà nghiên cứu định lượng Hà Lan tại Robeco Asset Management công bố trong tháng 6 cho thấy tần suất xảy ra một vụ đổ vỡ trên thị trường chứng khoán trong năm 1992 là 0,1%/tuần trong khi đó vào năm 2010 đã tăng lên 1,5%/tuần. Điều này có nghĩa là trung bình cứ 2 năm lại xảy ra một vụ đổ vỡ trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Nhà nghiên cứu Markwat đã định nghĩa một cuộc khủng hoảng toàn cầu giống như một tuần mà trong đó 4 thị trường chứng khoán chính bao gồm châu Âu, Mỹ, châu Á và châu Mỹ Latinh đều sụt giảm 5% trở lên - tương đương mức sụt giảm tối thiểu 5,9% của chứng khoán toàn cầu trong 1 tuần.

Tất cả nhà đầu tư đều có thể nhận ra được mức độ rủi ro của việc đầu tư vào cổ phiếu cao hơn nhiều so với 20 năm trước đây. Điều này là minh chứng rõ ràng cho xu hướng dễ "bốc hơi" và mối tương quan chặt chẽ giữa các loại cổ phiếu trên thế giới, Markwat cho biết.

Khi nhận ra sự biến động và mối tương quan chặt chẽ của thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư sẽ yêu cầu bảo hiểm rủi ro cao hơn hay nói cách khác, xu hướng coi chứng khoán toàn cầu là một loại tài sản để đầu tư cũng sẽ giảm.

Cùng với xu thế toàn cầu hóa và xu hướng hội nhập, mức độ tương quan giữa các chỉ số trên thị trường chứng khoán cũng ngày càng chặt chẽ hơn. Mối tương quan giữa chỉ số chứng khoán của thị trường Mỹ và thị trường châu Âu đã tăng từ 0,51 vào năm 1992 lên 0,83 vào năm 2010. Tương quan giữa chỉ số chứng khoán của Mỹ và châu Á cũng tăng từ 0,41 lên 0,64 trong giai đoạn 1992-2010.

Thị trường chứng khoán của bất kỳ quốc gia nào cũng đi theo chu kỳ "bùng nổ và suy thoái", với những thời kỳ tăng trưởng phi thường rồi đến những vụ đổ vỡ không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều đáng nói là mặt trái của xu hướng toàn cầu hóa đã khiến sự đổ vỡ trên thị trường chứng khoán xảy ra theo phản ứng dây chuyền - minh chứng rõ ràng nhất cho mối tương quan giữa các chỉ số chứng khoán ngày càng chặt chẽ.

Một trong những ví dụ điển hình nhất cho chu kỳ "bùng nổ và suy thoái" là vụ sụp đổ của phố Wall năm 1929 - sự kiện mở đầu cho thời kỳ Đại suy thoái.

Những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XIX, chứng khoán Mỹ trải qua chuỗi tăng trưởng phi thường. Tuy nhiên, bong bóng đầu cơ nổ tung vào hai phiên cuối tháng 10/1929.

Diễn biến chỉ số Dow Jones từ năm 1928 - 1934
Diễn biến chỉ số Dow Jones từ năm 1928 - 1934

Gần 13 triệu cổ phiếu ‒ nhiều gấp ba lần số lượng giao dịch thông thường ‒ bị các nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo trên thị trường chứng khoán New York. Ngày thứ 3 đen tối (29/10/1929) đến với phố Wall khi Dow Jones sụt giảm từ mức cao kỷ lục 381 vào ngày 3/9/1929 xuống còn 230 và đạt điểm đáy ngày 8/7/1932 khi đóng cửa ở mức 41,2 - giảm gần 90% so với mức đỉnh nó từng đạt được ba năm trước.

Cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính bắt đầu ở Mỹ đã nhanh chóng lan rộng ra toàn châu Âu và các nước phát triển khác, kéo theo suy thoái kinh tế trầm trọng trên phạm vi toàn cầu. Riêng tại Mỹ, sản xuất công nghiệp giảm 45%, GDP giảm 30%, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25% và 60% người Mỹ sống dưới ngưỡng nghèo khổ.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong giai đoạn 1929-1940
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong giai đoạn 1929-1940

Gần 70 năm sau kể từ Đại khủng hoảng năm 1929, lịch sử lại lặp lại với Khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu vào tháng 7/1997 ở Thái Lan. Chỉ số thị trường chứng khoán Thái Lan đã tụt từ mức 1.280 cuối năm 1995 xuống còn 372 cuối năm 1997.

Khủng hoảng tài chính năm 1997 bắt nguồn từ Thái Lan
Khủng hoảng tài chính năm 1997 bắt nguồn từ Thái Lan

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 bắt nguồn từ Đông Á, nhưng ảnh hưởng của nó lại lan truyền toàn cầu và gây nên sự khủng hoảng tài chính trên toàn cầu, với những tác động lớn lan rộng đến cả các nước như Nga, Brazil và Mỹ. Dưới ảnh hưởng của khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, dẫn đến hàng triệu người bị đẩy xuống dưới ngưỡng nghèo trong các năm 1997-1998. Trong đó, 3 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan.

Năm 2008, thị trường tài chính thế giới lại rơi vào suy thoái, sau sự sụp đổ của một loạt định chế tài chính, bắt đầu từ định chế tài chính 158 năm tuổi Lehman Brothers của Mỹ.

Vào tháng 10/2008, chỉ số công nghiệp Dow Jones có mức sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử - trong vòng 8 ngày, chỉ số này mất tới 2.400 điểm, tương ứng 22% và rơi xuống mức 8.451 điểm. Gần 2 năm, từ khi Dow Jones đạt được mức đỉnh vào tháng 10/2007 đến khi chạm đáy vào tháng 3/2009 ước tính tổng thiệt hại của thị trường chứng khoán là hơn 11 nghìn tỷ USD.

khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009
khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ cũng nhanh chóng lây lan san các nước khác và gây ra suy thoái trên toàn thế giới. Các thị trường chứng khoán lớn của thế giới ở New York, London, Paris, Frankfurt, Tokyo đều có thời điểm sụt giá lớn nhất trong lịch sử.

Như vậy, có thể nhận thấy sự tương quan chặt chẽ giữa các chỉ số chứng khoán khiến các vụ đổ vỡ thị trường chứng khoán xảy ra theo phản ứng dây chuyền. Những khoản nợ dưới chuẩn chỉ vào khoảng 34 tỉ USD trên thị trường địa ốc của Mỹ cũng có thể gây chao đảo cho thị trường tài chính toàn cầu với tổng trị giá gần 60.000 tỉ USD.

Xu hướng tương quan chặt chẽ trong thị trường chứng khoán ngày càng tăng rất có thể sẽ tiếp tục tạo ra sự đổ vỡ hàng loạt trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Ngược lại, những cú sốc lớn, như cuộc khủng hoảng châu Á hay khủng hoảng khu vực đồng euro cũng có thể khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu và gây tác động lớn đến mối tương quan này.

Tuy nhiên, những nhà đầu tư lạc quan có thể sẽ nhận ra rằng thị trường chứng khoán toàn cầu cuối cùng sẽ vượt qua đổ vỡ và hồi phục theo chu kỳ "hưng thịnh - suy thoái". Khi đó, chứng khoán sẽ tiếp tục trở thành tài sản tuyệt vời cho các nhà đầu tư.

Hệ số tương quan là đại lượng đo mức độ cùng biến động giữa hai chỉ số chứng khoán. Nó phản ánh mức độ mạnh hay yếu trong mối liên hệ giữa hai thị trường.Giá trị của hệ số này thay đổi từ 1 đến -1, thể hiện hai xu hướng là cùng chiều hay ngược chiều. Khi càng gần các giới hạn này thì sự tương quan càng mạnh.

Nguồn Khampha/Reuters


Sự kiện