Ruble mất giá, dân Nga chạy đua tiêu tiền
Người dân Nga đang đổ xô đi đổi tiền tiết kiệm từ ruble sang ngoại tệ và Euro, đồng thời tích trữ hàng hóa và trang sức nhằm đề phòng trường hợp đồng nội tệ giảm giá sâu hơn.
Tờ Financial Times bình luận, nỗi lo của người Nga những ngày này mỗi lúc một hiện rõ khi các bảng điện tử thông báo tỷ giá ở khắp thủ đô Moscow liên tục cho thấy sự mất giá “không phanh” của đồng ruble.
Sáng ngày thứ Ba (16/12) khoảng hơn chục người xếp hàng trước cửa một chi nhánh của Sberbank, ngân hàng lớn nhất Nga, đối diện nhà ga Kursky ở trung tâm Moscow. “Tôi muốn đi rút một phần tiền lương hưu để đổi sang USD”, bà Galina, một người hưu trí, cho biết.
“Chẳng ai trong chúng tôi biết điều gì sẽ xảy ra. Tất cả đều lo lắng trước việc đồng tiền liên tục mất giá”.
Sự giảm giá chóng mặt của đồng ruble trong những ngày gần đây chưa dẫn tới sự hoảng loạn rõ rệt, nhưng đã khiến nhiều người dân Nga chạy đi đổi tiền hoặc mua sắm những mặt hàng lâu bền như đồ nội thất, xe hơi và nữ trang trước khi những mặt hàng này được tăng giá bán.
Giới ngân hàng cho rằng, phản ứng của người dân Nga đã khiến áp lực đè nặng lên đồng ruble thêm phần căng thẳng, tạo ra một vòng luẩn quẩn xói mòn niềm tin vào đồng nội tệ.
Ông Artem Zotov, trưởng bộ phận nghiệp vụ tiền tệ thuộc ngân hàng Otkritie Bank - nhà băng tư nhân lớn thứ nhì nước Nga về giá trị tài sản - nói với hãng tin Bloomberg rằng, từ đầu tuần này, nhu cầu ngoại tệ đã tăng gấp 3-4 lần so với trung bình hàng ngày trước đó.
Tại trung tâm mua sắm Atrium cách không xa chi nhánh của Sberbank, số khách hàng đổ tới cửa hiệu của các thương hiệu nước ngoài như Gucci hay Topshop đông hơn bình thường.
Galya, một bác sỹ tuổi trung niên, khoe chiếc nhẫn vàng mới mua và nói: “Tôi nghĩ đồng ruble sẽ còn mất giá cho tới hết năm nay. Giờ là lúc phải mua đồ đạc thôi”.
Vào hôm thứ Hai, người dân đã xếp hạng tới tận 2h sáng ở siêu thị nội thất Ikea ở Moscow để chờ mua hàng vì lo đồng ruble mất giá sẽ đẩy giá các sản phẩm tăng mạnh. Ikea, công ty của Thụy Điển, tuyên bố sẽ tăng giá bán đồ nội thất từ thứ Năm tuần này.
“Những người không đổi được tiền ở mức 35-40 ruble/USD đang nhanh tay mua các loại hàng hóa cao cấp, xe hơi và căn hộ vì việc điều chỉnh giá cả mạnh đối với các mặt hàng này vẫn chưa diễn ra”, ông Vyacheslav Trapenznikov, quyền Giám đốc công ty Urals Builders Guild ở Yekaterinburg, cho hay.
Trong tháng 11, doanh số bán lẻ xe hơi ở Nga tăng bất chấp nền kinh tế giảm tốc. Các hãng xe ở Nga thậm chí còn lạc quan hơn về triển vọng doanh số trong tháng 12 này.
“Nhu cầu mua xe tăng bất thường trong mấy tuần gần đây”, ông Joerg Schreiber, Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu ở Nga (AEB), cho hay.
Tuy vậy, không mấy ai tin là cơn sốt mua sắm đang diễn ra ở Nga sẽ kéo dài lâu, bởi lãi suất tăng cao sẽ sớm gây tác động bất lợi lên người vay tiền và các doanh nghiệp nhỏ. Hôm thứ Hai, Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất cơ bản lên 17% từ mức 10,5% trước đó.
“Mọi người đang cố tiêu những đồng ruble cuối cùng của mình, mua những thứ chưa bị tăng giá. Nhưng xu hướng này sẽ chỉ có hạn”, ông Trapeznikov nói.
Ông Trapeznikov cũng cho rằng, lãi suất tăng cao sẽ khiến ngành xây dựng của Nga khốn đốn. “Nếu chủ một doanh nghiệp xây dựng cỡ vừa vay vốn vào mùa xuân hoặc mùa hè năm nay với lãi suất 14-15%, thì vào tuần tới, ông ấy có thể sẽ nhận được thông báo từ ngân hàng nói lãi suất được điều chỉnh lên 25%. Với nhu cầu của thị trường giảm, thu nhập của khách hàng giảm, và lãi suất tăng, chủ doanh nghiệp này sẽ khó mà trụ nổi”.
Đồng ruble Nga giảm giá “kinh hoàng” trong bối cảnh giá dầu thế giới lao dốc và Nga hứng các đòn trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
Người Nga có cách nhìn khác nhau về nguyên nhân khiến đồng ruble mất giá nghiêm trọng.
“Lệnh trừng phạt làm đồng ruble mất giá ư? Tôi không nghĩ thế. Đó chỉ là một cách đánh lạc hướng thôi”, ông Konstantin Shulik, một nhà tư vấn ở Moscow, nói.
Trong khi đó, trong lúc xếp hàng bên ngoài Sberbank, bà Galina có một cách giải thích khác. “Ai khiến đồng ruble mất giá ư? Đó là Mỹ. Nước Mỹ là kẻ thù”.
Nguồn VnEconomy