Roubini cảnh báo "thiên nga đen": Chiến tranh điện tử Mỹ - Triều Tiên
Với sự thắng lợi của ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, Liên minh Châu Âu và đồng euro đã có thể thở phào. Nhưng những rủi ro về địa chính trị vẫn đang tiếp tục tăng lên. Đó là bình luận của nhà kinh tế Nouriel Roubini, người từng dự báo trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và từ đó được mệnh danh là Tiến sĩ Tận thế (Dr. Doom).
Theo Roubini, cuộc chiến chống lại toàn cầu hoá ở phương Tây sẽ không dừng lại bởi chiến thắng của Macron, và vẫn có thể dẫn tới chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại và hạn chế di cư. Nếu xu hướng chống lại hội nhập vẫn tiếp tục, việc Anh rời liên minh Châu Âu (Brexit) cuối cùng có thể dẫn đến sự tan rã của EU – dù có Macron hay không.
Đồng thời, Nga vẫn duy trì ảnh hưởng tại các nước Baltic, Balkans, Ukraine và Syria. Trung Đông vẫn còn nhiều quốc gia gần như đổ nát, như Iraq, Yemen, Libya và Lebanon. Và các cuộc đối đầu hai phe Sunni-Shia giữa Saudi Arabia và Iran không cho thấy dấu hiệu kết thúc.
Ở Châu Á, sự thiếu thận trọng của Hoa Kỳ hoặc CHDCND Triều Tiên có thể gây ra xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Và Trung Quốc đang tiếp tục leo thang các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng trong khu vực.
Tiến sĩ kinh tế Nouriel Roubini. biệt hiệu "Dr. Doom". Ảnh: CNBC |
Mặc dù có những rủi ro về địa chính trị, thị trường tài chính toàn cầu đã đạt đến những đỉnh cao mới. Vì vậy câu hỏi được đặt ra là liệu các nhà đầu tư đang đánh giá thấp tiềm năng xảy ra xung đột, và phải có khủng hoảng tới đâu thì họ mới không còn chủ quan.
Thiên nga đen
Có nhiều giải thích cho việc tại sao thị trường lại bỏ qua những rủi ro về địa chính trị.
Đầu tiên, ngay cả khi Trung Đông vẫn đang chìm trong khói lửa, nguồn cung dầu vẫn không chịu một cú sốc hay lệnh cấm vận nào, và cuộc cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ đã làm gia tăng nguồn năng lượng giá rẻ. Trong các cuộc xung đột trước đây ở Trung Đông như chiến tranh Yom Kippur năm 1973, cuộc Cách mạng Hồi giáo của Iran năm 1979, và cuộc xâm lăng Kuwait của Iraq vào năm 1990, các cú sốc về nguồn cung dầu đã gây ra tình trạng đình lạm trên toàn cầu và khiến thị trường chứng khoán giảm điểm.
Giải thích thứ hai là các nhà đầu tư đang ngoại suy từ các cú sốc trước đó, như vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001. Khi đó, các nhà hoạch định chính sách đã giải cứu nền kinh tế và thị trường tài chính bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa. Các chính sách này đã tạo ra cơ hội mua vào trong thị trường sau các cú sốc, và tình trạng giảm giá tài sản đã bị đảo ngược trong vài ngày hoặc vài tuần.
Thứ ba, các quốc gia thực sự có kinh nghiệm trải qua các cú sốc về thị trường tài sản nội địa - chẳng hạn như Nga và Ukraine sau các biến cố năm 2014 - không đủ lớn để ảnh hưởng đến thị trường tài chính Mỹ hay toàn cầu.
Tương tự như vậy, ngay cả khi Vương quốc Anh theo đuổi một "Brexit cứng", nước này cũng chỉ chiếm khoảng 2% GDP toàn cầu.
Tổng kết lại ảnh hưởng của các sự kiện khủng hoảng lớn từ năm 1982 tới nay lên chỉ số Dow Jones. Ảnh: LPL Research |
Giải thích thứ tư là thế giới đã được phòng vệ khỏi những rủi ro gắn liền với các biến động địa chính trị. Không có bất kì mâu thuẫn quân sự nào giữa các nước lớn, và Liên minh Châu Âu (EU) hoặc khu vực đồng euro cũng không sụp đổ. Các chính sách dân túy của Tổng thống Donald Trump đã bị hạn chế phần nào. Và nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi hạ cánh cứng, điều mà nếu xảy ra sẽ mang tới nhiều bất ổn chính trị xã hội ở nước này.
Hơn nữa, các thị trường vẫn gặp khó khăn trong việc đánh giá khả năng xảy ra các sự kiện "thiên nga đen", được định nghĩa là một trường hợp vốn ít khả năng xảy ra nhưng cái giá phải trả là rất đắt. Một ví dụ điển hình là sự kiện 11/9. Và ngay cả khi các nhà đầu tư nghĩ rằng một cuộc tấn công khủng bố lớn khác sẽ đến, họ cũng không thể biết được nó sẽ diễn ra khi nào.
Ẩn số Triều Tiên
Căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên cũng có thể biến thành một sự kiện thiên nga đen, nhưng dường như thị trường đã bỏ qua khả năng này. Một lý do là mặc dù Trump đã hăm dọa, Mỹ vẫn có rất ít lựa chọn quân sự và thực tế là Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí thông thường để gây thiệt hại nặng cho Seoul, nơi sinh sống của một nửa dân số Hàn Quốc, nếu bị Mỹ tấn công.
Các nhà đầu tư có thể cho rằng ngay cả khi một cuộc xung đột quân sự có giới hạn xảy ra, nó sẽ không leo thang thành một cuộc chiến toàn diện, và việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa có thể làm dịu bớt các cú sốc cho nền kinh tế và thị trường tài chính. Trong trường hợp này, như với ngày 11/9, việc điều chỉnh thị trường sẽ là một cơ hội mua vào.
Nhưng có nhiều kịch bản có thể xảy ra, một số trong đó có thể là "thiên nga đen". Ngoài những rủi ro liên quan đến hành động can thiệp quân sự trực tiếp, Mỹ hiện đang bị cáo buộc sử dụng vũ khí không gian mạng (cyber weapons) để loại trừ mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Điều này có thể giải thích tại sao rất nhiều vụ thử tên lửa của Triều Tiên đã thất bại trong những tháng gần đây. Nhưng Triều Tiên sẽ phản ứng như thế nào cho việc bị kiềm tỏa quân sự?
Tỷ lệ các vụ tấn công nhằm mục đích chiến tranh điện tử đã tăng gần gấp đôi (từ 2,4% lên 4,3%) trong giai đoạn 2015-2016. Ảnh: Hackmageddon |
Một câu trả lời là họ có thể tung ra một cuộc tấn công không gian mạng để đáp trả. Năng lực chiến tranh điện tử của Triều Tiên được đánh giá chỉ thua kém một chút so với các nước Nga và Trung Quốc, và thế giới đã biết điều này vào năm 2014 khi họ tấn công vào Sony Pictures. Một cuộc tấn công mạng quy mô lớn của Bắc Triều Tiên có thể làm mất hoặc phá hủy các phần của cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ và gây ra thiệt hại kinh tế và tài chính to lớn.
Hoặc, nếu phải đối mặt với tình trạng gián đoạn chương trình tên lửa, Triều Tiên có thể tấn công với công nghệ thấp, bằng cách gửi một chiếc tàu với một quả bom bẩn (chứa chất phóng xạ) vào các cảng Los Angeles hay New York. Một cuộc tấn công kiểu này rất khó để theo dõi hoặc dừng lại.
Vì vậy, mặc dù các nhà đầu tư có thể đúng khi không đánh giá cao nguy cơ xung đột quân sự thông thường giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng họ cũng có thể đã đánh giá thấp mối đe dọa của một sự kiện thiên nga đen thực sự, chẳng hạn như một cuộc chiến tranh mạng giữa hai nước hoặc một vụ tấn công nước Mỹ bằng bom bẩn.
Liệu việc căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên có phải là một cơ hội để "mua từ mức thấp" hay nó sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng to lớn? Thị trường thường định giá các rủi ro theo nguyên tắc phân phối chuẩn về một số sự kiện mà có thể ước lượng và đo lường được.
Nhưng họ gặp nhiều rắc rối trong việc ước lượng "khả năng không chắc chắn Knight", vốn là những rủi ro không thể tính theo lý thuyết xác suất thông thường (theo tên ông Frank Knight, người nổi tiếng với luận án "Rủi ro, không chắc chắn và Lợi nhuận").
Bá Ước
Nguồn MarketWatch