Rốt cuộc Trump có giữ lời hứa về việc trừng phạt Trung Quốc?
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ không quy kết Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ trong thời gian tới, khi mới vừa kết thúc cuộc họp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đó là nhận định của các chuyên gia chính sách ngoại hối cho biết, và điều này có nghĩa là lại có thêm một lời hứa nữa của Trump chưa trở thành hiện thực.
Theo các chuyên gia, để quy kết Trung Quốc là nước có hành vi thao túng tiền tệ, Bộ Tài chính Mỹ cần phải thay đổi lại hoàn toàn định nghĩa hành vi này trong báo cáo sắp tới vào ngày 14/4. Bottom of FormDavid Dollar, cựu quan chức Bộ tài chính Mỹ phụ trách vấn đề liên lạc với Trung Quốc và hiện đang là thành viên của Viện Brooking tại Washington, cho rằng: “Việc đưa ra một tiêu chuẩn hợp lý để quy kết Trung Quốc là rất khó khăn”.
Trước đây, ông Trump đã cam kết liệt Trung Quốc vào danh sách những nước thao túng tiền tệ vào ngày đầu tiên ông nhậm chức, nhưng tới nay điều này vẫn chưa diễn ra.
Một đạo luật về hải quan và thương mại được ban hành vào năm ngoái đã đề ra 3 tiêu chuẩn để xác định liệu một đối tác thương mại có thao túng tiền tệ hay không: thặng dư tài khoản vãng lai với thế giới, thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ, và liên tục can thiêp một chiều vào thị trường ngoại hối.
Theo quy định, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải yêu cầu một cuộc thảo luận đặc biệt với bất kì quốc gia nào hội đủ 3 điều kiện trên, với mục đích điều chỉnh các đồng tiền được định giá thấp. Hình phạt cho những nước có hành vi thao túng có thể là sẽ bị loại khỏi các hợp đồng mua bán cấp chính phủ với Mỹ sau một năm.
Dự trữ ngoại hối (màu xanh) của Trung Quốc đã giảm mạnh, trong một nỗ lực nhằm tăng tỷ giá NDT (màu đỏ) trở lại nhưng chưa thành công. Ảnh: Zero Hedge |
Theo như những quy định hiện hành có từ thời Obama, Trung Quốc chỉ rơi vào 1 trong 3 tiêu chuẩn trên, dựa trên mức thặng dư thương mại hàng hóa lên đến 347 tỷ USD với Mỹ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã tiêu tốn hơn 1.000 tỷ USD trong 2 năm qua để nâng giá đồng nhân dân tệ, chứ không phải hạ giá đồng tiền này. Thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc, chỉ chiếm 1,8% GDP của nước này trong năm 2016, dưới rất xa ngưỡng đặt ra bởi chính phủ Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ đã nói răng, còn quá sớm để bình luận về kết quả báo cáo đánh giá tiền tệ của cơ quan này, và Bộ trưởng Steve Mnuchin đã nói rằng cơ quan này sẽ tôn trọng các quy trình trước đây. Đây là dấu hiệu cho thấy sẽ ít có những thay đổi đáng kể trong báo cáo sắp tới.
Ông Matthew Goodman, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và là người viết báo cáo tiền tệ dưới thời chính quyền Clinton, cho biết: “Những người như tôi cho rằng chính quyền Trump sẽ từ bỏ việc đưa Trung Quốc vào nhóm nước thao túng tiền tệ”.
Nhưng với mong muốn của ông Trump là giảm thâm hụt thương mại của nước Mỹ, đặc biệt là với Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng chính quyền Trump sẽ có những thay đổi nhằm ngăn ngừa việc thao túng tiền tệ trong tương lai.
Bộ Tài chính sẽ có thể thực hiện những thay đổi như vậy trong báo cáo về tiền tệ trong tháng 10 tới, theo ông Derek Scissors, một học giả và chuyên gia thương mại Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kì (AEI). Ông Scissors cho rằng: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu các tiêu chuẩn từ thời ông Obama vẫn được duy trì trong khoảng thời gian 1 năm tới”.
Lựa chọn hợp lý nhất là kéo dài thời gian cho việc xem xét việc can thiệp tiền tệ từ 12 tháng lên nhiều năm, theo một số chuyên gia chính sách. Tuy nhiên, một quan chức cao cấp của Hàn Quốc nói với Reuters rằng, điều này sẽ khiến các nước như Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều nước khác sẽ bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ.
Bộ Tài chính Mỹ cũng có thể giảm ngưỡng thặng dư tài khoản vãng lai xuống dưới 3% GDP, nhưng việc này có thể đi ngược với quan điểm bấy lâu nay của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF và các quan chức G20 rằng 3% GDP mới là ngưỡng mà thặng dư đáng để quan tâm.
Bá Ước
Nguồn Reuters