Sau đại dịch COVID-19, đầu tư vào thiết bị tự động hóa gia tăng do nhiều nhà máy thiếu hụt lao động khi công nhân nghỉ việc và tìm kiếm công việc tốt hơn. Ảnh: WSJ.
Robot dần "mất việc" trong các nhà máy sản xuất
Robot trong các nhà máy tại Mỹ đang được sử dụng ít hơn. Các nhà sản xuất đang cắt giảm việc mua thiết bị tự động hóa, khi hoạt động sản xuất chậm lại. Đồng thời, ngày càng nhiều công nhân quay trở lại làm việc.
Theo Hiệp hội Thúc đẩy Tự động hóa Bắc Mỹ, đơn đặt hàng robot công nghiệp tại các nhà máy Bắc Mỹ đã giảm gần một phần ba trong năm ngoái, so với mức kỷ lục năm 2022. Xu hướng giảm tiếp tục trong sáu tháng đầu năm nay.
Sau đại dịch COVID-19, đầu tư vào thiết bị tự động hóa gia tăng do nhiều nhà máy thiếu hụt lao động khi công nhân nghỉ việc và tìm kiếm công việc tốt hơn. Tắc nghẽn chuỗi cung ứng cũng cũng làm tăng thêm nhu cầu, khi các doanh nghiệp muốn tăng tốc sản xuất.
“Khi các công ty mua robot vì lo sợ, họ có xu hướng mua nhiều hơn mức cần thiết. Giờ đây, họ không cần phải mua theo kiểu hoảng loạn nữa”, ông Paul Marcovecchio, Giám đốc Ngành công nghiệp Kawasaki Robotics tại Mỹ, cho biết.
Theo dữ liệu chính phủ liên bang Mỹ, sản xuất công nghiệp của nước này trong tháng 8 không tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng các sản phẩm như thiết bị gia dụng, xe tải hạng nặng, máy móc và dầu mỏ đều giảm.
Sản xuất công nghiệp của nước này trong tháng 8 không tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: WSJ. |
Ông Jack Schron, Chủ tịch Jergens, công ty chuyên sản xuất các phụ kiện cho cánh tay robot trong nhà máy, cho biết trong khi doanh số bán hàng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và quốc phòng đang tăng trưởng, thì hoạt động kinh doanh tại các thị trường khác của công ty vẫn giữ nguyên.
Đối với các nhà máy gặp khó khăn trong việc tìm công nhân cho các công việc nhàm chán và đòi hỏi thể lực, robot vẫn là giải pháp lý tưởng trong thời kỳ khủng hoảng lao động. Tuy nhiên, ông Schron lưu ý rằng nhiều công ty đã không lường trước được kỹ năng bảo trì và lập trình cần thiết để vận hành các robot này trong các tác vụ phức tạp. “Việc sử dụng robot sẽ không biến mất, nhưng đang chậm lại”, ông nói.
Nỗi lo ngại về tự động hóa vẫn khiến một số lao động cảm thấy công việc của mình bị đe dọa. Các công nhân bốc xếp đang đàm phán để hạn chế việc sử dụng robot tại các cảng bờ Đông và bờ Vịnh, sau khi đạt được thỏa thuận tạm thời về lương với các công ty vận chuyển tuần trước, chấm dứt cuộc đình công của công nhân.
Nhiều nhà sản xuất robot cho biết, khách hàng của họ trở nên kén chọn hơn trong các khoản đầu tư vào thiết bị tự động hóa. Lãi suất cao và sản lượng giảm khiến các công ty mất nhiều thời gian hơn để thu hồi vốn.
Công ty Athena Manufacturing tại Austin, Texas, đã mua bảy robot trong giai đoạn 2021-2022 do không thể tìm đủ nhân công để đáp ứng lượng đơn hàng hàn và cắt các bộ phận kim loại cho ngành công nghiệp bán dẫn, hàng không vũ trụ và năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, kể từ đó, khối lượng sản xuất của công ty giảm 20% và họ chỉ mua thêm một robot mới. “Các robot vẫn được sử dụng, nhưng không nhiều như trong và sau đại dịch”, ông John Newman, Giám đốc Tài chính của Athena, cho biết.
Việc tìm kiếm lao động có tay nghề như thợ máy vẫn khó khăn, nhưng tỉ lệ nhân viên nghỉ việc đã giảm, đồng thời sản lượng sản xuất cũng giảm. Điều này khiến nhu cầu tuyển dụng lao động và sử dụng robot giảm.
Khoảng 21% nhà sản xuất cho biết tình trạng thiếu lao động là trở ngại trong quý II, giảm so với 45% cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Cục Điều tra Dân số. Tỉ lệ thiếu vật liệu cũng giảm từ 39% xuống còn 12%.
Một số lĩnh vực như thực phẩm và hàng tiêu dùng vẫn duy trì nhu cầu cao về robot. Đơn đặt hàng robot trong quý II của ngành này tăng 64% so với năm ngoái, theo Hiệp hội tự động hóa.
Ông Rajat Bhageria, Giám đốc Điều hành Chef Robotics, cho biết ông không nhận thấy nhu cầu về robot giảm sau đại dịch. Các robot của Chef Robotics, tích hợp trí tuệ nhân tạo, giúp lắp ráp các bữa ăn cho bệnh viện, trường học và hãng hàng không, với khả năng linh hoạt cao.
Các robot nhặt thực phẩm từ các thùng và đặt vào khay di chuyển trên dây chuyền lắp ráp. Với sự tích hợp trí tuệ nhân tạo, những robot này có thể nhanh chóng chuyển đổi giữa các kết hợp thực đơn và kích cỡ đơn hàng khác nhau, khiến chúng linh hoạt hơn các thiết bị phân phối thực phẩm truyền thống. Ông Bhageria cũng cho biết doanh số của công ty đã tăng gấp 4 lần trong năm 2023 so với 2022.
Ngành công nghiệp ô tô, một trong những lĩnh vực sử dụng robot nhiều nhất ở Bắc Mỹ, cũng ghi nhận sự giảm sút. Đơn đặt hàng robot trong quý II từ ngành ô tô giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Các robot trong ngành ô tô chiếm 46% tổng số. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô Mỹ đã giảm tốc độ sản xuất một số mẫu xe điện mới do doanh số bán hàng không đạt kỳ vọng.
Ông Bill Adler, Chủ tịch Stripmatic Products, cho biết ông đã có kế hoạch đầu tư thêm vào tự động hóa cho sản xuất phụ tùng xe điện. Tuy nhiên, do các đơn đặt hàng không như mong đợi, chỉ khoảng một phần tư so với khối lượng hàng năm, nhân viên của ông vẫn đang làm thủ công thay vì sử dụng robot.
Có thể bạn quan tâm:
Ngành dệt may Bangladesh đứng trước thay đổi lớn
Nguồn WSJ