Thứ Năm | 06/08/2015 09:24

Reuters: Liệu Fed có nâng lãi suất quá sớm?

Mỹ và Anh đang tranh luận về thời điểm nâng lãi suất sau gần 1 thập kỷ nới lỏng. Câu hỏi là sao lại nâng lãi suất khi lạm phát vẫn thấp.

Hiện tại, cả chính phủ Mỹ và Anh đều đang tranh luận về thời điểm nâng lãi suất trong suốt quãng thời gian gần 1 thập kỷ thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ trước đó. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ lại nâng lãi suất khi lạm phát ở mức thấp.

 Cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đều đã tuyên bố rằng nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất sau gần 10 năm thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Tiến trình này có thể mất vài tháng, nhưng rõ ràng chính phủ hai nước đã gửi thông điệp đến người dân, đặc biệt là những hộ gia đình có mức tín dụng cao, rằng "hãy cảnh giác".

Trong tình hình kinh tế hồi phục nhanh chóng, việc nâng lãi suất từ gần 0% lên mức “bình thường” là điều dễ hiểu.

Sau nhiều năm trì trệ sau cuộc khủng hoảng tín dụng, nền kinh tế của 2 cường quốc bên bờ Đại Tây Dương đã tăng trưởng trở lại với mức bình quân 2-3%. Tỷ lệ thất nghiệp bình quân hiện gần mức trung bình dài hạn là dưới 6%. Thị trường bất động sản và tài chính dần hồi phục trong vài năm qua.

 Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là tỷ lệ lạm phát của cả 2 nước đang ở mức rất thấp, gần 0% ở Anh và 0,1% tại Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) này thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% mà chính phủ 2 nước đặt ra trước đó. Ngay cả chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát ưa thích của FED, cũng ở mức thấp là 0,3%.

Theo các nhà hoạch định chính sách, nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát thấp là do giá năng lượng cũng như các hàng hóa suy giảm vào cuối năm 2014. Trong tương lai gần, khi giá những mặt hàng này ổn định trở lại thì tỷ lệ lạm phát, CPI hay giá cả các sản phẩm trong nước sẽ tăng trở lại. Nói theo cách khác, cả FED và BoE đều cho rằng lạm phát thấp hiện nay chỉ là tạm thời và việc nâng lãi suất chỉ là vấn đề thời gian.

Mặc dù vậy, tình hình đang trở nên phức tạp hơn khi bong bóng chứng khoán Trung Quốc xì hơi làm gia tăng lo ngại về nền kinh tế giảm tốc của nước này.

Hơn thế nữa, giá cả các hàng hóa trên thế giới vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục. Giá dầu đã giảm thêm 20% kể từ đầu tháng 7/2015 và chỉ số giá các hàng hóa trên thế giới của Cơ quan nghiên cứu hàng hóa quốc tế (CBR) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua, thậm chí thấp hơn so với thời kỳ suy thoái 2008-2009.

Những yếu tố này cho thấy tỷ lệ lạm phát có khả năng sẽ tiếp tục ở mức thấp thêm một thời gian nữa. Mặc dù điều này không phải rủi ro lớn nhưng lạm phát quá thấp có khả năng thúc đẩy tình trạng giảm phát, trì hoãn tiêu dùng, tạo áp lực giảm tiền lương và làm phức tạp thêm việc thanh toán nợ dài hạn.

Điều chỉnh quá sớm?

Nếu Fed và BoE tăng lãi suất, họ sẽ phải giải thích nguyên nhân cho quyết định này cũng như về việc thực hiện mục tiêu lạm phát 2%.

Đối với FED, có thể khủng hoảng tín dụng năm 2008 đã ảnh hưởng đến tâm lý các nhà hoạch định chính sách khi muốn thực hiện thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại FED sẽ sai lầm khi nâng lãi suất, đặc biệt với số liệu việc làm quý II ảm đạm của Mỹ và nguy cơ giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.

Những nghi ngờ về việc FED có thể quá vội vàng nâng lãi suất đang ngày càng lan rộng trên thị trường, đặc biệt được phản ánh trên thị trường chứng khoán. Rõ ràng, các nhà đầu tư hy vọng FED sẽ cẩn trọng hơn trong quyết định của mình.

Cựu quan chức BoE Sushil Wadhwani nhận định FED đã liên tục lạc quan thái quá về tăng trưởng kể từ năm 2009 đến nay và có xu hướng tăng lãi suất quá sớm so với thực tế. Có thể nền kinh tế Mỹ đang vận hành rất khác so với cách mà FED nhận định và nhiều khả năng tình trạng này vẫn đang tiếp diễn.

Theo ông Wadhwani, nếu sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc nghiêm trọng hơn so với những số liệu chính thức của chính phủ, FED đương nhiên sẽ nhanh chóng dừng việc nâng lãi suất lại.

Trong chiều hướng ngược lại, nếu rủi ro kinh tế của Trung Quốc bị thổi phồng quá mức, ông Wadhwani cho rằng các quan chức của FED và BoE vẫn nên chờ đợi cho tình hình rõ ràng hơn trước khi ra quyết định.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại đánh giá các ngân hàng trung ương đang thực hiện tốt mục tiêu lạm phát trong trung và dài hạn. Theo hãng tin Reuters, các cuộc khảo sát cho thấy lạm phát tại Mỹ và Anh trong trung và dài hạn vẫn cao hơn so với mục tiêu đề ra.

Ông Charles Goodhart, cũng từng là nhà hoạch định chính sách của BoE, cho biết tình hình lạm phát tại Anh vẫn ở mức chấp nhận được nếu tính trong một khoảng thời gian vài năm. Tỷ lệ lạm phát tại đây cao hơn mức mục tiêu trong giai đoạn 2010-2013, nhưng sau đó đã suy giảm xuống mức thấp hơn. Điều đó cho thấy lạm phát tại Anh ở mức khá ổn định.

“Ngân hàng trung ương Anh sẽ xem xét các yếu tố biến động của lạm phát và cũng sẽ sớm nâng lãi suất. Cá nhân tôi cho rằng họ có thể đã đúng”, ông nói.

Nguồn NDH