Reuters: Đức đã “mua” chính quyền Ukraine trước cuộc họp với Nga
Số tiền 500 triệu euro không nhiều với nền kinh tế Ukraine đang cần lúc này. Để vực dậy một đất nước điêu tàn vì chiến tranh và chính biến suốt 1 năm qua thì cần đến hàng chục tỉ USD.
Tuy nhiên, 500 triệu euro là con số đẹp để giúp chính quyền của tổng thống Petro Poroshenko và thủ tướng Yatsenyuk duy trì hoạt động. Chính truyền thông Ukraine cũng thừa nhận khoản vay 500 euro từ Đức là để trang trải cho chi phí hoạt động của bộ máy chính quyền Kiev.
Ngay sau khi việc cho vay được đồng ý, chính quyền Ukraine đã chính thức thông báo sẽ cử ngoại trưởng đến họp trù bị 4 bên (Nga, Ukraine, Pháp, Đức) theo “sáng kiến của Đức”. Không sớm hơn, không muộn hơn, cuộc họp này được tổ chức ngay sau khi Ukraine nhận được tiền.
Các bộ trưởng ngoại giao của Pháp, Đức, Nga và Ukraine sẽ gặp nhau tại Berlin vào thứ Hai, 12.1 để thảo luận về tình hình ở miền đông Ukraine và thực hiện kế hoạch hòa bình Minsk. Đây là thông tin Bộ ngoại giao Đức cho biết hôm thứ Sáu, ngay sau lúc cho Ukraine vay tiền.
Có thể coi cuộc họp 4 bên cấp ngoại trưởng là một cuộc họp trù bị cho cuộc họp của 4 lãnh đạo chính phủ các quốc gia kể trên tại Kazakhstan vào 15.1 tới. Tuy nhiên, cuộc họp trù bị này cũng rất quan trọng vì có thể ý chí của các bên sẽ được khẳng định ngay và cuộc họp tại Kazakhstan vào tháng 1 chỉ là lời xác nhận của những người có trách nhiệm cao nhất.
Việc Đức để ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier họp cũng là thông điệp của nước Đức lần này. Ông Steinmeier là người đảng Dân chủ Xã hội (SPD) theo đường lối trung dung thiên tả nên có chủ trương xích gần Nga và phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ông Steinmeier tuyên bố hồi tuần trước: "Bất cứ ai tin rằng buộc Nga quỳ gối bằng các đòn kinh tế đều là sai lầm và sẽ dẫn đến khủng hoảng an ninh ở châu Âu". Ông Steinmeier cũng là người cực lực phản đối việc kết nạp Ukraine vào EU và cho rằng đó là việc mà Ukraine phải mất vài thế hệ.
Về cuộc họp 4 bên cấp Ngoại trưởng sắp tới, Bộ trưởng Ngoại giao Đức cho biết: “Thứ hai tới, chúng tôi muốn thực hiện một nỗ lực để vượt qua những trở ngại. Nhưng nó vẫn là một con đường dài và gập ghềnh trước khi thỏa thuận Minsk được thực hiện đầy đủ".
Để tiến đến một thỏa thuận mà các bên chấp nhận được thì cần phải có thái độ thiện chí từ tất cả các bên mà Ukraine là nhân tố chủ chốt. Cả Pháp và Đức đều muốn mọi chuyện được giải quyết êm thấm để nhanh chóng phá bỏ lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Nga.
Một khi Ukraine không còn thắc mắc thì Mỹ chẳng có lý do gì tiếp tục lệnh trừng phạt Nga khiến Pháp và Đức chịu vạ lây. Khó tin là Ukraine có thể làm trái ý Berlin sau khi nhận được tiền. 500 triệu euro mà Đức cho Ukraine vay vẫn là quá rẻ để buộc Ukraine phải biết điều.
Nguồn Một Thế Giới