Thứ Hai | 18/03/2013 12:00

Quỹ tài sản quốc gia châu Á trỗi dậy

Xu hướng các quỹ tài sản quốc gia ở các nền kinh tế mới nổi, chủ yếu là châu Á, đi mua lại tài sản ở phương Tây.
Tổng tài sản của các quỹ tài sản quốc gia (Sovereign Wealth Fund - SWF) trên toàn cầu đã tăng 8% trong năm ngoái lên đến 5.200 tỉ USD, theo báo cáo của TheCityUK, một công ty tài chính của Anh. Trong đó, các quốc gia châu Á chiếm đến 39%, tương đương 2.000 tỉ USD. Trong thập kỷ vừa qua, tổng tài sản của các quỹ SWF đã tăng đến 4 lần, lớn hơn cả giá trị của các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân và các quỹ phòng hộ kết hợp lại. Trong tương lai, sức mạnh của các cỗ máy tài chính này có thể sẽ còn lớn hơn nữa.

Theo Công ty Quản lý Tài sản UBS AG (Thụy Sĩ), tài sản của các quỹ SWF sẽ tăng 60% trong vòng 3 năm tới, lên đến 8.600 tỉ USD. Mặc dù hiện nay, giá trị đầu tư vào quốc gia phát triển có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với luồng vốn vào các nền kinh tế mới nổi nhưng xu hướng này có thể bị đảo ngược trong những năm tới. Đồng thời, các quỹ này sẽ giảm nắm giữ các tài sản tiền tệ như đồng euro và yen Nhật.

Quỹ SWF được xem như công cụ đầu tư của chính phủ các nước. Nguồn vốn hình thành nên nó có thể đến từ thặng dư tài khoản thanh toán quốc gia, kinh doanh ngoại hối, cổ phần hóa doanh nghiệp, thặng dư tài khóa quốc gia và đặc biệt là từ việc bán các loại hàng hóa cơ bản như dầu mỏ và khí đốt.

Kuwait là quốc gia đầu tiên sáng tạo ra mô hình quỹ SWF vào năm 1953 từ lợi nhuận dầu mỏ. Kể từ năm 2000, tốc độ ra đời các quỹ này đã tăng nhanh, góp phần gia tăng quy mô tài sản của các quỹ SWF trên toàn cầu. Nhìn chung, sự lớn mạnh của các quỹ châu Á chủ yếu đến từ hai nguồn: dầu mỏ (điển hình là các nước Tây Á) và dự trữ ngoại hối (như Trung Quốc).

“Các quỹ SWF sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ nhận được nguồn vốn chảy vào trong những năm tới, khi các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, tiếp tục gia tăng dự trữ ngoại hối và nhu cầu các loại hàng hóa cơ bản sẽ gia tăng với đà phục hồi của kinh tế thế giới”, TheCityUK nhận định.

Năm ngoái, danh mục đầu tư của các quỹ đã thay đổi đáng kể. Đáng lưu ý là xu hướng các quỹ SWF ở các nền kinh tế mới nổi (chủ yếu là châu Á) đi mua lại tài sản ở phương Tây.

Điển hình là thương vụ Công ty Đầu tư Trung Quốc chi 245 triệu bảng Anh (365 triệu USD) để mua lại Winchester House, trụ sở chính tại London của Deutsche Bank. Hay quỹ dự trữ ngoại hối do Nhà nước quản lý của Trung Quốc đã bỏ ra 550 triệu bảng để thâu tóm 40% cổ phần của Tập đoàn UPP, nhà cung cấp chính về cơ sở hạ tầng cho các trường đại học ở Anh.

Công ty Đầu tư Hàn Quốc cũng đã chi ra 75 triệu bảng Anh để mua lại dãy văn phòng đối diện với Ngân hàng Trung ương Anh. Các tòa nhà Shard Tower và Chelsea Barracks cũng rơi vào tay các quỹ đến từ Trung Đông. Tổng cộng, có tới khoảng 10 tỉ USD liên quan đến các giao dịch bất động sản của các quỹ này mà TheCityUK đã thống kê được trong năm qua.

Dường như các quỹ SWF đang lợi dụng sự suy sụp của khu vực đồng euro, lãi suất thấp kỷ lục tại một số quốc gia phát triển để gia tăng nắm giữ các tài sản then chốt như ngân hàng và bất động sản. Đặc biệt, năm qua, họ đã chi ra khoảng 90 tỉ USD để thâu tóm cổ phần của các ngân hàng Phương Tây, theo TheCityUK.

Trước đây, đã có nhiều cuộc tranh luận về sức mạnh kinh tế và tác động quyền lực của các quỹ SWF đến tình hình kinh tế thế giới. Một số ý kiến lo ngại rằng đằng sau các động cơ thuần túy về kinh tế, việc bành trướng sức mạnh chính trị là không thể tránh khỏi.

Một số quỹ hiện chỉ chủ yếu tập trung vào thị trường trong nước như Mumtalakat của Bahrain, Khazanah của Malaysia hay SCIC của Việt Nam. Nhưng đối với các quỹ có quy mô quá lớn tại các nước giàu có hơn như Trung Quốc, Nga hay các nước Tây Á thì mối lo ngại trên là có cơ sở, đặc biệt khi thông tin về các quỹ này còn kém minh bạch.

Năm 2007, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Chính phủ Mỹ từng bày tỏ quan ngại đối với sức mạnh ngày càng lớn của các quỹ SWF, thậm chí lo ngại chúng có thể tạo ra các nguy cơ mới cho hệ thống tài chính toàn cầu. Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh John Gieve từng tuyên bố việc gia tăng ảnh hưởng và sức mạnh tài chính của các công cụ do Nhà nước kiểm soát này sẽ dẫn đến những căng thẳng chính trị và chủ nghĩa bảo hộ có thể quay trở lại.

Tuy vậy, cũng có những ý kiến xoa dịu vấn đề. Cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cho rằng các quỹ SWF có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tại một số khu vực như sa mạc Sahara. “Chỉ cần đầu tư 1% tài sản của các quỹ này cũng có thể mang lại tăng trưởng, phát triển và cơ hội trị giá 30 tỉ USD cho châu Phi”, ông nói.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư


Sự kiện