Quy tắc Ring-fence và phản ứng của các ngân hàng lớn
Sự chồng chéo trong hoạt động ngân hàng bán lẻ và hoạt động đầu tư mạo hiểm là nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Khi đó, nhiều ngân hàng đã dùng tiền gửi của khách hàng để tập trung kiếm lời từ các hoạt động tài chính có rủi ro cao như: các giao dịch tài chính, chứng khoán, sản phẩm phái sinh…Một khi hoạt động đầu tư gặp vấn đề sẽ kéo theo dịch vụ bán lẻ của ngân hàng cũng bị suy sụp và tạo ra hiệu ứng lan truyền ảnh hưởng lên các tổ chức tín dụng khác trên thế giới.
Với mục tiêu ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng trong tương lai, chính phủ Anh đã thông qua chính sách ring-fencing (hàng rào khoanh vùng) nhằm cải cách lại cơ cấu hoạt động ngân hàng.
Ring-fencing yêu cầu các ngân hàng phải tách bạch hoạt động ngân hàng bán lẻ và hoạt động đầu tư. Ngân hàng chỉ được phép nhận tiền gửi, trái phiếu chính phủ và cho vay, riêng các hoạt động đầu tư có mức độ rủi ro cao phải nhận tài trợ từ một nguồn khác.
Phản ứng với quy tắc mới, các ngân hàng lớn ở Anh đã có những kế hoạch khác nhau. Barclays và HSBC chọn cách giảm thiểu hoạt động ngân hàng bán lẻ để hạ thấp chi phí vốn và tăng quy mô hoạt động đầu tư. Từ khi quy tắc mới được thông qua, thị trường tài chính chứng kiến những đợt cắt giảm nhân sự mạnh tay của hai ngân hàng này. Barclays đã cắt giảm 7.000 nhân sự tại Anh. HSBC cũng sẽ đổi tên các chi nhánh của mình tại Anh và cắt giảm 8.000 nhân sự ở nước này, chiếm 1/3 trong kế hoạch cắt giảm 25.000 nhân sự toàn cầu.
Ngược lại, Lloyds and RBS là hai ngân hàng cho vay bán lẻ nhiều nhất nước Anh sẽ tập trung công nghệ và dịch vụ thiết yếu cho hoạt động ngân hàng bán lẻ, vì các hoạt động đầu tư có tính mạo hiểm của hai ngân hàng này được nhìn nhận là chưa đủ tiêu chuẩn để hoạt động độc lập.