Công ty có trụ sở tại Singapore trong những tháng gần đây đã chuyển hướng các nỗ lực huy động vốn sang Trung Đông và Nam Phi. Ảnh: Reuters.

 
Hải Miên Thứ Ba | 15/08/2023 15:21

Quỹ phòng hộ Trung Quốc khủng hoảng

Các nhà đầu tư nước ngoài đang dần mất hứng với Trung Quốc và các quỹ phòng hộ nhắm vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải trả giá.

Số lượng các quỹ phòng hộ tập trung vào Trung Quốc còn hoạt động đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2012, chỉ có 5 quỹ mới được tung ra trong năm nay tính đến tháng 6, theo dữ liệu từ Preqin, trong khi đó 18 quỹ khác đã được thanh lý, theo Bloomberg.

Mức thu hẹp này đánh dấu sự thay đổi lớn đối với các quỹ đầu cơ nước ngoài vào Trung Quốc, vốn chiếm gần một nửa số quỹ mới ở châu Á tính đến năm 2021. Cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với các công ty tư nhân trong các ngành, bao gồm dạy kèm ngoài giờ và thương mại điện tử, cùng với căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng với Mỹ, đã dẫn đến lợi nhuận thấp kể từ đó và làm giảm nhu cầu của các nhà đầu tư toàn cầu đối với tài sản Trung Quốc.

 

Ông Otto Chan, Trưởng bộ phận quản lý danh mục đầu tư tại Persistent Asset Partners, một quỹ phòng hộ 21 tuổi, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu đối với các quỹ về Trung Quốc từ cả châu Á và các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng ít hơn”.

Theo dữ liệu của Eurekahedge Pte, các quỹ phòng hộ tập trung vào Trung Quốc đang phải đối mặt với năm thua lỗ thứ 2 liên tiếp chưa từng có. Hơn 2/3 quỹ phòng hộ tập trung vào Trung Quốc đã thua lỗ vào năm 2022, trong khi 36% thua lỗ 1/5 hoặc hơn. Dữ liệu của Preqin cho thấy trong nửa đầu năm nay, 62% quỹ của Trung Quốc không kiếm được tiền.

Chỉ số MSCI Trung Quốc đã giảm 43% kể từ cuối năm 2020, so với mức tăng 19% của Chỉ số S&P 500 của Mỹ trong cùng kỳ.

Ông William Ma, Giám đốc Đầu tư toàn cầu của GROW Investment Group, công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Thượng Hải, được hỗ trợ bởi Julius Baer Group Ltd, cho biết các nhà đầu tư đang nhìn thấy nhiều rủi ro chính trị hơn đối với các khoản đầu tư tại Trung Quốc và trở nên ít tin tưởng hơn về triển vọng kinh tế dài hạn.

Một số nhà đầu tư vào thị trường Trung Quốc đã thua lỗ trong suốt 2 năm qua, trong khi đợi sự phục hồi của thị trường để giảm tỉ lệ nắm giữ. Một nhà đầu tư lâu năm khác tại các quỹ phòng hộ châu Á cho biết với việc lương hưu ở Bắc Mỹ thu hẹp lại, các khoản phân bổ đầu tư hiện đã tạm dừng hoặc có các kế hoạch tạm dừng trong tương lai, và họ lo ngại bị cuốn vào dòng tiền chảy ra này.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện hữu này, các nhà quản lý quỹ tập trung vào Trung Quốc đang cố gắng thích nghi.

Chủ tịch Ken Chung cho biết trong 3 năm qua, APS Asset Management Pte đã nhận thấy sự quan tâm không mấy tích cực từ những người ủng hộ ở Bắc Mỹ, đặc biệt là đối với các quỹ hưu trí công.

Công ty có trụ sở tại Singapore trong những tháng gần đây đã chuyển hướng các nỗ lực huy động vốn sang Trung Đông và Nam Phi. Trong nửa đầu năm, họ đã ghi điểm cho các nhà đầu tư đầu tiên từ 2 khu vực này.

Một số nhà quản lý trước đây nhắm mục tiêu đến các nhà đầu tư quốc tế đang hướng tới khách hàng trong nước. Trong khi đó, một số khác quảng bá về lợi thế của mình trong chiến lược Trung Quốc +1, khi chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng đa dạng hóa khỏi Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm:

 Kinh tế Mỹ được phản ánh qua những chai nước hoa

Nguồn Bloomberg