Quỹ ETF thị trường mới nổi bất ngờ hút vốn trở lại
Trở lại đầu tư vào các thị trường mới nổi, các nhà quản lý tài sản tin rằng, những nhà lãnh đạo mới tại Ấn Độ, Indonesia và Brazil sẽ áp dụng nhiều chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. BlackRock - một trong những tập đoàn cung cấp dịch vụ đầu tư quỹ - là nơi hút vốn mạnh nhất với dòng vốn chảy vào lên tới khoảng 2 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại của năm 2014.
Cụ thể, sau đợt bị rút ồ ạt 9 tỷ USD tính đến ngày 21/3, quỹ ETF iShares MSCI Thị trường mới nổi của BlackRock - quỹ ETF lớn thứ 7 thế giới - đã thu hút 8,4 tỷ USD tính đến ngày 23/7 nhờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ duy trì lập trường về thời điểm tăng lãi suất trong năm 2015.
Tuần này, các quỹ ETF tại Mỹ đang đầu tư vào khối thị trường mới nổi đã thu hút lượng vốn đầu tư lên đến 645 triệu USD bất chấp căng thẳng leo thang tại Ukraine và Trung Đông.
Chỉ số MSCI Thị trường mới nổi giảm 0,3% vào lúc 12h35 tại Hong Kong trong phiên giao dịch ngày 25/7. Chỉ số này đã tăng 7,8% tính đến ngày 24/7 nhờ một số dấu hiệu cho thấy, kinh tế Trung Quốc sẽ tránh được "cú hạ cánh cứng". Ngày 24/7, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng sơ bộ của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc đã lên cao nhất 18 tháng trong tháng 7.
Đặc biệt, các quỹ ETF đầu tư vào Ấn Độ đã ghi nhận dòng vốn chảy vào lớn nhất khối thị trường mới nổi với 1,5 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại của năm 2014 nhờ chỉ số S&P BSE Sensex tăng kỷ lục. Trong khi đó, các quỹ đầu tư vào Indonesia cũng thu hút 123 triệu USD sau khi Thống đốc Jarkata Joko Widodo đắc cử tổng thống.
Giới đầu tư cũng rót 136 triệu USD vào các quỹ đầu tư Mexico với đánh cược rằng Tổng thống Enrique Pena Nieto sẽ tăng lương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngược lại, dòng vốn tháo chạy khỏi quỹ ETF Market Vectors Nga lại tăng lên 62 triệu USD kể từ sau thảm kịch MH17. Các quỹ ETF đầu tư vào Brazil cũng phải hứng chịu tình cảnh tương tự do nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp dưới thời Tổng thống Dilma Rousseff. Giới đầu tư cũng đã rút 513 triệu USD ra khỏi các quỹ ETF châu Mỹ Latin do lạm phát tăng quá mức mục tiêu lên 6,5%. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thất bại trong việc kêu gọi vốn đầu tư vào các quỹ ETF, thậm chí, phải chứng kiến 1,5 tỷ USD tháo chạy khỏi nước này.
Tuy nhiên, hiện tại các thị trường mới nổi đã chiếm phần lớn trong danh mục đầu tư của các tập đoàn nhờ số liệu kinh tế vĩ mô tích cực của các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, theo nhận định của giám đốc đầu tư Irene Bauer tại tập đoàn Twenty20 Investments.
Trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh kết hợp với tình hình ổn định của kinh tế Trung Quốc đã hỗ trợ rất lớn cho khối các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, rủi ro lớn hiện vẫn là địa chính trị. Giới đầu tư đang rất lo ngại về tình hình kinh tế Nga trước đòn trừng phạt từ phương Tây và căng thẳng bạo lực tại Trung Đông, theo nhận định của chiến lược gia Arko Sen tại Ngân hàng Mỹ.
Nguồn Theo DVO/ Bloomberg