Quy định tài chính mới của châu Âu nhà đầu tư cần biết
Các nhà phân tích cho rằng, khi các nhà cung cấp dịch vụ tài chính châu Âu điều chỉnh theo các quy định mới, những người hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh tại châu Á cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Bản MiFID đầu tiên bắt đầu áp dụng vào năm 2008 và bản bắt đầu được áp dụng vào ngày 03/01/2018 được gọi là MiFID II.
Chỉ thị về các công cụ tài chính II (MiFID II) có hiệu lực ở châu Âu. MiFID là một quy định giúp gia tăng sự minh bạch trong các thị trường tài chính tại châu Âu và tiêu chuẩn hóa các thông tin bắt buộc phải cung cấp trong những thị trường nhất định.
Các quy tắc sẽ tiếp cận sâu vào ngành công nghiệp tài chính và chuyển đổi cách thức các hoạt động kinh doanh được tiến hành. MiFID II cung cấp một bộ tiêu chuẩn các hướng dẫn chi tiết về cách các ngân hàng thực hiện giao dịch thay cho khách hàng của họ, cách họ báo cáo các giao dịch này và cách thức thanh toán cùng với các quy định khác.
"Các quy định này không nhằm mục đích cụ thể là điều chỉnh các thị trường ngoại khối - châu Âu áp dụng các quy tắc mới này cho chính các công ty châu Âu - nhưng chúng vẫn sẽ có tác động tới châu Á", Keith Pogson, nhân sự cao cấp mảng các dịch vụ tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty kiểm toán Ernst & Young, Hong Kong, cho biết.
Các công ty hoạt động bên ngoài Liên minh châu Âu sẽ phải tuân thủ các quy tắc khi họ kinh doanh chứng khoán trên thị trường châu Âu, hoặc khi họ làm ăn với khách hàng và đối tác châu Âu.
Các nhà phân tích cho biết, các công ty cỡ trung ở châu Á sẽ cảm nhận rõ ràng nhất những ảnh hưởng này.
"Các ngân hàng quốc tế lớn và các nhà quản lý tài sản có các kế hoạch thực hiện MiFID II bao gồm cả các định chế tài chính ở châu Á trong 18 tháng qua hoặc lâu hơn", ông Pogson nói.
Tuy nhiên, những cơ quan sẽ thực thi các quy tắc này có thể sẽ tạo ra một độ trễ chính sách nhất định cho các công ty để có thời gian điều chỉnh và thích ứng.
Cơ quan Quản lý tài chính Vương quốc Anh, thực thi các quy tắc ở Anh, sẽ chưa bắt đầu tiến hành động thái trừng phạt nào vào ngày 3/1 với các công ty không tuân thủ đầy đủ, miễn là họ có thể cho thấy họ đã thực hiện các kế hoạch cần thiết để thực hiện nghĩa vụ của mình.
Các quy tắc mới cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường rộng lớn hơn. Một thay đổi sẽ diễn ra là các ngân hàng đầu tư sẽ phải tính phí cho khách hàng của họ một cách riêng biệt để thực hiện các giao dịch thay mặt họ và cung cấp nghiên cứu cổ phần. Đến nay, các ngân hàng vẫn luôn kết hợp hai khoản phí lại với nhau.
Sự thay đổi này có nghĩa là những người quản lý tài sản có nhiều lựa chọn hơn về những gì họ nhận được vì họ sẽ tự chi trả các chi phí nghiên cứu hoặc chuyển cho khách hàng cuối cùng của họ.
Bên cạnh đó, MiFID sẽ kiểm soát tất cả các bước trong vòng đời của một sản phẩm tài chính. Từ thiết kế, quảng cáo và phân phối sản phẩm của một công ty tài chính phải phù hợp với “thị trường mục tiêu” được xác định trước của sản phẩm đó.
Cơ quan quản lý chứng khoán và thị trường châu Âu (ESMA) đã đưa ra 6 hạng mục cần xác định khi chọn một thị trường mục tiêu, bao gồm:
-Dạng khách hàng mà sản phẩm đó nhắm tới
-Kiến thức và kinh nghiệm của khách hàng về sản phẩm đó
-Tình trạng tài chính của khách hàng (nhắm nhiều vào khả năng chịu lỗ của họ)
-Khả năng chịu đựng rủi ro của khách hàng và tính tương thích của tỷ lệ rủi ro / lợi ích của sản phẩm với thị trường mục tiêu
-Mục tiêu của khách hàng
-Nhu cầu của khách hàng
Nguồn CNBC/the leader