Ngân hàng Trung ương của Na Uy, còn được gọi là Ngân hàng Norges, ở Oslo, Na Uy. Ảnh: Getty Images.
Quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới mất 174 tỉ USD trong nửa đầu năm
Theo Ngân hàng Trung ương Norges của Na Uy, quỹ trị giá 1,3 nghìn tỉ USD đã âm 14,4% trong thời kỳ này, do cổ phiếu, trái phiếu biến động trước bối cảnh thị trường lo sợ về suy thoái toàn cầu và lạm phát tăng vọt. Nhưng lợi nhuận của quỹ cao hơn 1,14 điểm phần trăm so với chỉ số lợi nhuận tiêu chuẩn, tương đương 16 tỉ USD.
Giám đốc Điều hành của Norges Bank, ông Nicolai Tangen, cho biết: “Thị trường được định hình bởi lãi suất tăng, lạm phát cao và chiến tranh ở châu Âu. Các khoản đầu tư cổ phiếu giảm tới 17%. Cổ phiếu công nghệ hoạt động đặc biệt kém với mức lợi nhuận âm 28%.”
Lợi nhuận của quỹ đến từ các khoản đầu tư cổ phần giảm 17%, trong khi các khoản đầu tư có thu nhập cố định và cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo chưa niêm yết lần lượt giảm 9,3% và 13,3%.
Trữ lượng lớn dầu và khí đốt ở Biển Bắc của Na Uy là nền tảng cho sự giàu có của quỹ. Năng lượng là lĩnh vực duy nhất không có lợi nhuận âm sau khi quỹ mạnh tay đầu tư vào năng lượng gió trong những năm gần đây.
“Trong nửa đầu năm, ngành năng lượng đã mang lại doanh thu tăng 13%.”, ông Tangen cho biết thêm, quỹ ghi nhận giá dầu, khí đốt và các sản phẩm tinh chế tăng mạnh.
Nhà phân tích Matthew Oxenford của Economist Intelligence Unit nói rằng, hiệu suất của NBIM (Công ty Quản lý Đầu tư Ngân hàng Na Uy) sẽ là “triệu chứng” của hầu hết các quỹ đầu tư lớn trong thời gian tới.
Ông Oxenford nói thêm: “Thị trường tài chính toàn cầu đã có nhiều biến động đáng kể trong nửa đầu năm 2022 và hầu hết các quỹ đều đã thất thoát không ít tài sản. Trên toàn thế giới, phần lớn sự sụt giảm là do các Ngân hàng Trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, dẫn đến có ít vốn hơn được rót vào các công ty đang phát triển nhanh trong các lĩnh vực tăng trưởng cao, như công nghệ, trong khi lợi nhuận từ các khoản đầu tư an toàn hơn tăng lên và nhóm đầu tư rủi ro cao trên toàn cầu thu hẹp lại.”
Khoản lỗ của các quỹ đầu tư xảy ra cùng lúc với việc thị trường chứng khoán Mỹ trải qua nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ những năm 1970.
Tuy nhiên, theo ông Oxenford, quỹ sẽ vượt qua được các khó khăn tài chính.
“Do NBIM có tính đa dạng hóa cao và theo đuổi chiến lược đầu tư dài hạn, nên có khả năng vượt qua cơn bão này, mặc dù tốc độ tăng trưởng đặc biệt cao mà chúng tôi đã thấy vào năm 2020 và 2021 khó có thể quay trở lại, do lãi suất ngân hàng trung ương toàn cầu không tăng” ông nói.
Lạm phát, lãi suất tăng và chiến tranh ở châu Âu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chỉ số chính của Mỹ, với chỉ số Dow Jones giảm hơn 15% trong sáu tháng đầu năm, S&P 500 giảm hơn 20% và Nasdaq Composite giảm gần 30 %.
Có thể bạn quan tâm:
Tín hiệu u ám về kinh tế toàn cầu từ các nhà máy ở Trung Quốc
Nguồn CNBC