Thứ Năm | 18/04/2013 19:31

Quốc hội Đức phê duyệt cứu trợ tài chính Síp

Quốc hội Đức vừa thông qua gói cứu trợ tài chính 10 tỷ euro cho Síp, trong đó khoản đóng góp của Đức sẽ không quá 3 tỷ euro.
Các đại biểu Quốc hội Đức hôm nay 18/4 đã bỏ phiếu thông qua hỗ trợ tài chính cho Cộng hòa Síp, với đa số phiếu thuận như tất cả các gói viện trợ trước đó cho các nước khủng hoảng trong khu vực đồng euro.

Cụ thể, phó chủ tịch Quốc hội Đức, ông Wolfgang Thierse cho biết trong số 601 đại biểu có mặt, 486 đại biểu bỏ phiếu thuận.

Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ cung cấp lên đến 10 tỷ euro để giúp hòn đảo nhỏ nằm ở Địa Trung Hải thoát khỏi bờ vực vỡ nợ. Đổi lại Síp sẽ phải thực hiện cải cách và tái cơ cấu ngành ngân hàng đã quá lớn cồng kềnh của mình, đồng thời phải tăng mức thuế doanh nghiệp.

Riêng các khoản tín dụng được cấp từ Đức sẽ không quá 3 tỷ euro.

Bộ trưởng Tài chính Đức, ông Wolfgang Schaeuble trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giúp đỡ Síp nhằm "tránh để các vấn đề của Síp trở thành những vấn đề mới cho khu vực đồng euro."

Trong một tuyên bố đưa ra ngay sau khi bỏ phiếu, Bộ trưởng còn cho biết Quốc hội Đức đã "thực hiện trách nhiệm đối với đồng euro và khu vực đồng euro" trong mọi nỗ lực của mình.

"Đối với một quốc gia xuất khẩu như Đức, đồng tiền chung là cơ sở cần thiết cho tăng trưởng, việc làm và thịnh vượng." Hai trong số ba đảng đối lập, đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xanh đã lên tiếng phản đối như họ đã làm trong hầu hết các cuộc bỏ phiếu thông qua cứu trợ trước đó. Tuy nhiên sự ủng hộ rộng rãi từ bên trong Liên minh trung hữu của thủ tướng Angela Merkel vẫn đảm bảo cho thỏa thuận cứu trợ được thông qua.

Đây là cuộc bỏ phiếu lần thứ 12 cho việc giải cứu khu vực đồng euro kể từ tháng 5/2010. Trước đó, Quốc hội Đức đã bật đèn xanh cho hoạt động viện trợ cho các nước như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và kèm theo việc thiết lập nhiều cơ chế khác nhau nhằm giải cứu các thành viên của liên minh tiền tệ.

Trong phiên họp này, các đại biểu Quốc hội Đức cũng đã thông qua việc gia hạn khoản vay lên đến 7 năm cho Ireland và Bồ Đào Nha. Lý giải cho sự gia hạn trên, ông Wolfgang Schaeuble nói rằng "những nỗ lực rất lớn" được thực hiện bởi 2 quốc gia lâm vào khủng hoảng này đang bắt đầu cho thấy kết quả.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện