Thứ Tư | 22/08/2012 16:51

Quốc hội Ấn Độ tê liệt do phe đối lập đòi thủ tướng từ chức

Cuộc họp quốc hội Ấn Độ hôm nay 22/8 đã bị gián đoạn do phe đối lập phản ứng gay gắt liên quan đến vụ bê bối trong ngành than.
Cuộc họp đã phải hoãn đến tận 2h chiều (giờ địa phương) do đảng Bharatiya Janata (BJP) và các đảng đối lập yêu cầu thủ tướng Manmohan Singh nhận trách nhiệm và từ chức. Kêu gọi từ chức đưa ra sau khi báo cáo của cơ quan kiểm toán quốc gia Ấn Độ cho thấy thủ tướng Singh có liên quan đến vụ bê bối do định giá thấp các mỏ than làm thiệt hại ngân sách ít nhất 10.700 tỉ rúp, tương đương 210 tỉ USD.

"Tình trạng bế tắc trong quốc hội là vấn đề không thể tránh được, và trong một số ít trường hợp, các đảng nên áp dụng việc hoãn họp quốc hội", ông Jaitley trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Times Now cho biết.

"Thủ tướng phải nhận lỗi của mình, bởi trong 8 năm qua, ông giữ chức vụ bộ trưởng ngành than", ông Jaitley nói thêm.

Tuyên bố này khiến quốc hội Ấn Độ rơi vào tình trạng bế tắc trong bối cảnh kinh tế giảm sút và các nhà đầu tư cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp mong đợi chính phủ thực hiện nhiều biện pháp khôi phục lòng tin và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bản báo cáo nháp bị rò rỉ từ Tổng vụ giám sát và kiểm toán Ấn Độ (CAG) cho thấy Ấn Độ đã thiệt hại do phân phối 155 mỏ than cho khoảng 100 công ty tư nhân và sở hữu nhà nước từ năm 2004 đến 2009 với giá quá rẻ, giúp các công ty hưởng lợi với số tiền khổng lồ.

Bản báo cáo này đã khiến thủ tướng Manmohan Singh phải chịu nhiều sức ép của quốc hội cũng như dư luận bởi ông là người đứng đầu giám sát ngành công nghiệp than. Đây là vụ việc mới nhất trong hàng loạt bê bối dính dáng đến tài chính và khai mỏ của Ấn Độ.

Trước đó, vào tháng 8/2011, thủ hiến bang Karnataka, ông BS Yeddyurappa, phải từ chức vì dính líu tới vụ gian lận trong khai thác quặng sắt làm thất thu của nhà nước 400 triệu USD. Đến tháng 11/2011, một báo cáo khác cho thấy gần một nửa quặng sắt được xuất khẩu từ bang Goa được khai thác bất hợp pháp.

Ấn Độ hiện là nhà sản xuất than lớn thứ ba thế giới nhưng sản lượng luôn phải bù đắp cho việc sản xuất điện và nhu cầu tiêu thụ cao.

Nguồn Nasdaq/Khampha


Sự kiện