Thứ Ba | 23/04/2013 19:03

Quốc gia nhỏ bé Latvia với tham vọng eurozone

Cánh cửa gia nhập eurozone đang rộng mở nhưng người dân Latvia chưa sẵn sàng từ bỏ đồng lat hiện hành do lo sợ lạm phát nếu chuyển sang đồng euro.

Bất chấp tình hình của đảo Síp, Slovenia và khủng hoảng khu vực đồng euro (eurozone) tiếp diễn, thủ tướng Latvia Valdis Dombrovskis vẫn mong muốn nước mình gia nhập eurozone vào tháng 1/2014. Trong tuần qua, ông Dombrovskis đã tới Paris để thuyết phục Pháp, Tây Ban Nha vì 2 quốc gia trên còn đang rất hoài nghi về kế hoạch của Latvia.

Một mặt, Latvia có khả năng sẽ đạt được mục tiêu khi quốc gia nhỏ bé vùng Baltic này đáp ứng dễ dàng các tiêu chuẩn của Hiệp ước Maastricht. Cho đến nay, eurozone chưa từng từ chối bất cứ quốc gia nào tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn của mình.

Hơn nữa, nền kinh tế Latvia đang tăng trưởng mạnh mẽ, đồng tiền của nước này cũng ổn định so với đồng euro suốt gần 10 năm và khoảng 90% các khoản nợ cá nhân và công ty của Latvia đều tính bằng đồng euro. Các nước láng giềng phía Bắc của Latvia như Estonia đã gia nhập năm 2011 và quốc gia Baltic thứ ba - Lithuania cũng đang nuôi hy vọng gia nhập khối này vào năm 2015.

Bức tranh tổng quan nền kinh tế Latvia trước thềm gia nhập Eurozone (Nguồn: Eurostat).

Bức tranh tổng quan nền kinh tế Latvia trước thềm gia nhập Eurozone (Nguồn: Eurostat).

Latvia chỉ vừa mới trở thành câu chuyện thành công ở vùng Baltic trong vài năm gần đây. Năm 2009, GDP Latvia đã giảm tới 20%. Tháng 12/2008, Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đồng ý một khoản cứu trợ trị giá 7,5 tỷ euro (10,1 tỷ USD) cho Latvia. Một thời kì thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt đã làm giảm mạnh mẽ chi tiêu công và sau đó là tiền lương. Thất nghiệp và nghèo đói gia tăng.

Các ngân hàng ở Latvia là một mối quan tâm khác. Đáng chú ý nhất, tiền gửi xuất phát từ nước ngoài chiếm một nửa lượng tiền gửi tại các ngân hàng Latvia với khoảng 90% đến từ Nga, Belarus, Uzbekistan và các quốc gia khác thuộc Liên Xô cũ.

Nghe có vẻ giống câu chuyện khủng hoảng của Síp nhưng thật ra không phải vậy. Tiền gửi chảy vào Latvia vì tại đây an toàn hơn, cũng như sự tương đồng ngôn ngữ và văn hóa, nhân viên ở đây nói được tiếng Nga và hiểu tâm lý kinh doanh của khách hàng.

Thủ tướng Dombrovskis bác bỏ bất kì so sánh nào giữa Latvia với đảo Síp. Ông nhấn mạnh rằng, lĩnh vực ngân hàng của Latvia tương đối nhỏ hơn, các ngân hàng có vốn hóa tốt hơn, đồng thời chính phủ đã thắt chặt luật chống rửa tiền trong những năm gần đây.

Tổng thống Latvia phủ nhận bất kì so sánh nào về hệ thống ngân hàng tại đảo Síp và Latvia

Tổng thống Latvia phủ nhận bất kì so sánh nào về hệ thống ngân hàng tại đảo Síp và Latvia.

Vấn đề lớn nhất với ngài thủ tướng có lẽ đến từ dư luận trong nước Latvia. Theo các cuộc trưng cầu dân ý mới đây, chỉ có khoảng 1/3 trong số 2,2 triệu người dân Latvia ủng hộ việc gia nhập khối đồng tiền chung. Liên minh Trung tâm Hòa hợp, được hỗ trợ chủ yếu bởi người Nga, đang kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên tham gia eurozone hay không.

“Người dân rất sợ lạm phát”, Morten Hansen, trường ĐH Kinh tế Stockholm tại Riga nói. Sau khi Latvia chuyển từ đồng rúp sang đồng lat trong công cuộc vực dậy sau khi Liên Xô sụp đổ, lạm phát tăng vọt, xóa sạch tiền tiết kiệm của nhiều người. Chuyển đổi từ đồng lat sang đồng euro khó có thể gây ra lạm phát, Mr Hansen khẳng định, nhưng rất khó để giải thích điều này cho những người dân đã từng trải qua một chuyển đổi tương tự trong quá khứ.

(Nguồn: Eurostat)

Hơn nữa, người dân Latvia cần nhìn vào thực tế lạm phát tại đất nước mình. Hầu như tỷ lệ lạm phát quốc gia vùng Baltic luôn cao hơn tại các quốc gia eurozone, chỉ riêng năm 2010 là thấp hơn do rơi vào giảm phát (-1,2%). Đồng thời còn chứng tỏ lạm phát rất thất thường, điều hay xảy ra đối với một đồng tiền yếu như lat. Gia nhập eurozone sẽ giúp người dân Latvia an tâm về một tỷ lệ lạm phát ổn định, ngược lại hoàn toàn với nỗi lo sợ của họ.

Thủ tướng Latvia Dombrovskis hy vọng rằng, ngay khi người dân Latvia nhận thấy đầu tư từ khu vực đồng euro gia tăng và thúc đẩy xuất khẩu, nhiều người sẽ thay đổi suy nghĩ về những lợi ích mà đồng tiền chung đem lại. Cuộc sống cũng sẽ dễ dàng hơn cho đa số người Latvia đang vay nợ, nhận lương bằng đồng lat nhưng lại nợ bằng đồng euro. Mọi thứ còn đang phụ thuộc vào báo cáo về triển vọng đồng euro của Latvia được soạn thảo bởi Ngân hàng trung ương châu Âu và Ủy ban châu Âu, dự kiến công bố vào tháng 5 tới.

Người dân Latvia chưa sẵn sàng từ bỏ đồng xu 1 lat nổi tiếng của "kiến, bia và tình yêu".

Người dân Latvia chưa sẵn sàng từ bỏ đồng xu 1 lat nổi tiếng của "kiến, bia và tình yêu".

Các chỉ báo tốt đang dẫn đường cho Latvia trở thành thành viên thứ 18 của eurozone. Phía trước là tham vọng lớn, nhưng điều mà đa số người dân Latvia cần bây giờ không gì khác ngoài lời giải thích chính đáng cho nỗi lo sợ cơn bão khủng hoảng đang quét qua một loạt các nước eurozone, cũng như bóng ma lạm phát của lần chuyển đổi tiền tệ trước đó còn nguyên ám ảnh với hơn 2 triệu người dân quốc gia Baltic này.

Nguồn Dân Việt/Economist


Sự kiện