Chủ Nhật | 19/08/2012 12:12

Quan hệ Mỹ-Trung sẽ phức tạp hơn khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại

Sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu mà còn có thể làm căng thẳng mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
a

Mới đây, Trung Quốc công bố xuất khẩu, một trong những động lực quan trọng trong hoạt động kinh tế, chỉ tăng 1% trong tháng 7, quá thấp so với mức 11% trong tháng trước đó. Đây được coi là bằng chứng mới nhất cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đang hụt hơi. Điều đó cũng đồng thời là một vấn đề cho các doanh nghiệp Mỹ, đang kinh doanh hàng hóa và dịch vụ tại Trung Quốc.

Xuất khẩu đóng vai trò vô cùng quan trọng với kinh tế Trung Quốc, chiếm hơn 1/4 hoạt động kinh tế, trong khi tại Mỹ con số này là 1/10. Để duy trì tốc độ tăng trưởng chung, Trung Quốc hy vọng duy trì tăng trưởng xuất khẩu ở mức 10%/năm, và hầu hết nửa đầu năm nay, Bắc Kinh đã hoàn thành được mục tiêu đó.

Đó cũng chính là lý do vì sao thông tin xuất khẩu Trung Quốc đột ngột giảm mạnh lại tạo nên bầu không khí lo ngại như vậy.

Có nhiều yếu tố dẫn tới sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc, song đáng chú ý nhất là khủng hoảng tài chính và suy thoái ở châu Âu, khiến nhu cầu đối với hàng hóa đại lục giảm mạnh. Bên cạnh đó, sự hồi phục chậm chạp của kinh tế Mỹ và sự suy giảm đám kể trong đầu tư bất động sản cũng góp phần khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trì trệ hơn.

Những tín hiệu đó đang đè nặng áp lực lên chính quyền Bắc Kinh, buộc họ phải thực hiện các bước hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh thời khắc chuyển giao quyền lực chính trị sắp tới gần. Dự kiến vào cuối mùa thu năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bầu ra một nhà lãnh đạo mới cho đất nước cũng như nội các chính phủ mới.

Tuy nhiên, phản ứng của Trung Quốc trước sự chậm lại của kinh tế lại có nguy cơ gây ra căng thẳng với Mỹ, nơi chiến dịch tranh cử tổng thống tập trung chủ yếu vào vấn đề kinh tế.

Chuyên gia thương mại thế giới tại Đại học Cornell, Eswar S. Prasad, cho biết: "Sự chậm lại của nền kinh tế cùng hoàn cảnh chính trị ở Trung Quốc và Mỹ có thể khiến căng thẳng trong thương mại hai nước bùng phát trở lại".

Có thể thấy rằng các chính sách của Trung Quốc trong thời gian qua đang dần chuyển theo hướng đem lại lợi ích cho nền kinh tế trong nước và gây tổn hại nghiêm trọng cho kinh tế Mỹ. Chẳng hạn, trong năm nay, Bắc Kinh đã khiến các nhà quan sát thế giới sửng sốt khi cho phép đồng nhân dân tệ mất giá so với đồng USD, một động thái khiến xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn so với Mỹ. Không dừng lại ở đó, chính quyền Bắc Kinh thậm chí còn kêu gọi hạ giá đồng nhân dân tệ trong nước thấp hơn nữa.

"Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực chính trị, chắc chắn các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không để nền kinh tế rơi vào tình trạng mất kiểm soát", ông Prasad nhận định.Trung Quốc và Mỹ hiện đang là hai động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu, và cả hai đều cần đối phương thực thi các biện pháp nhằm duy trì hoạt động kinh tế.

a
 
Tuy nhiên, ngược lại với mong muốn đó, Bắc Kinh lại sử dụng một loạt công cụ kích thích tăng trưởng kinh tế có thể gây hại cho Mỹ. Chẳng hạn, Trung Quốc thường xuyên hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, góp phần làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc còn thực hiện một số biện pháp khác như tăng chi tiêu chính phủ và hạ lãi suất cho vay để kích thích kinh tế.

Một trong những tranh cãi chính trị lớn nhất giữa Trung Quốc và Mỹ và việc Bắc Kinh cố tình kiểm soát đồng tiền của mình. Các nhà lãnh đạo Mỹ cũng như các nhà kinh tế học và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), từng không ít lần chỉ trích việc cố tình phá giá đồng nhân tệ của Trung Quốc.

Song bất chấp mọi chỉ trích, Bắc Kinh vẫn tiếp tục cho phép đồng tiền của mình giảm giá khi kinh tế tăng trưởng ngày một chậm lại. Trong năm nay, nhân dân tệ giảm khoảng 2%. Các chuyên gia nhận định, sự suy giảm của đồng nhân dân tệ sẽ giúp Trung Quốc hưởng lợi nhờ xuất khẩu được tăng cường.

Nhờ đồng nội tệ giá trị thấp, lợi thế thương mại của Trung Quốc so với Mỹ tiếp tục mở rộng trong những tháng qua. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tỏ ra không mấy mặn mà với các cam kết mở cửa thị trường.

Khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt tay thực hiện chiến dịch giảm lãi suất vào cuối năm 2010, Bắc Kinh ngay lập tức lên tiếng phản đối và cho rằng việc phá giá đồng USD sẽ làm lợi cho xuất khẩu Mỹ và gây hại cho xuất khẩu Trung Quốc. Quả thực, ngay khi đồng USD giảm giá, xuất khẩu Mỹ đã thực sự bùng bổ.

Tuy nhiên, kể từ đó, giá trị của đồng USD bắt đầu tăng trở lại khi các nhà đầu tư tìm cách găm trái phiếu kho bạc Mỹ để tìm kiếm lợi nhuận.

Nếu Fed tiếp tục tung ra gói nới lỏng định lượng mới nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng vào tháng 9 tới đây, chắc chắn sẽ khiến giới chức Bắc Kinh vô cùng lo lắng.

Hiện tại mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang trở thành chủ đề nóng bỏng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm nay. Ứng cử viên Cộng hòa Mitt Romney từng không ít lần chỉ trích sự thất bại của tổng thống Barack Obama trong việc ngăn chặn Trung Quốc thao túng tiền tệ, đồng thời tuyên bố sẽ làm mọi cách để ngăn chặn tình trạng đó.

Về phần mình, ông Obama và chính quyền của mình cho rằng việc gắn mác "thao túng tiền tệ" cho Trung Quốc có thể dẫn tới chiến tranh thương mại giữa hai nước, và kết quả là cả hai đều phải chịu thiệt hại. Ông Obama cũng chỉ ra rằng Bắc Kinh đã đạt được khá nhiều tiến bộ trong việc nâng giá đồng tiền trong những năm qua.

Nguồn WashingtonPostKhampha


Sự kiện