Quân đội Thái từ chối ủng hộ người biểu tình
Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan Thanasak Patimaprakor (thứ hai trái sang) cùng cácTư lệnh lục quân, hải quân và không quân,họp báo sau cuộc gặp với phe biểu tình hôm qua. Ảnh: |
Trong cuộc gặp gỡ công khai đầu tiên giữa các tướng lĩnh và người biểu tình ở Bangkok, thủ lĩnh dẫn đầu làn sóng chống chính phủ Suthep Thaugsuban đã đề nghị quân đội "đứng về phía nhân dân" và kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị đang bao trùm Thái Lan.
Tuy nhiên, người đứng đầu các lực lượng quốc phòng Thái Lan Thanasak Patimaprakor cho rằng "cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là đàm phán". Ông nhấn mạnh quân đội Thái Lan cần phải tuân thủ luật pháp, đặc biệt trong tình hình bất ổn hiện tại.
"Các nhà quan sát trung lập cần theo dõi cuộc bầu cử và đảm bảo nó được diễn ra vào ngày 2/2 tới", AFP dẫn lời ông nói tại diễn đàn có sự tham dự của Tư lệnh lục quân, hải quân và không quân Thái Lan. Tuy nhiên, cả chính phủ lẫn các nhóm ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đều không có mặt.
Quân đội Thái Lan có lịch sử tham gia chính trị lâu đời và đã tổ chức 18 cuộc đảo chính hoặc nỗ lực đảo chính kể từ năm 1932. Tuy nhiên, lần này, quân đội cho thấy sự lưỡng lự trong việc can thiệp trực tiếp đến khủng hoảng chính trị và chỉ nỗ lực dàn xếp những cuộc gặp gỡ riêng cho ông Suthep với Thủ tướng Yingluck Shinawatra hôm 1/12.
Những người ủng hộ phe đối lập xuống đường từ hồi tháng trước với yêu cầu bà Yingluk từ chức và thành lập một Hội đồng Nhân dân do họ chọn ra, không thông qua bầu cử. Phe biểu tình cho rằng đây là giải pháp tốt nhất nhằm tận diệt ảnh hưởng của gia tộc Shinawatra và cựu thủ tướng Thaksin, người bị lật đổ năm 2006 và hiện sống lưu vong ở Dubai.
Trong cuộc gặp được phát trên truyền hình hôm qua, thủ lĩnh biểu tình Suthep tiếp tục khẳng định quyết tâm lật đổ chính phủ của mình.
"Chúng tôi có thể tiếp tục chiến đầu thêm một năm nữa và sẽ có thêm nhiều người tham gia, nhưng tôi biết điều này sẽ ảnh hưởng đến kinh tế", ông nói. "Tôi muốn kết thúc cuộc chơi sớm hơn, nhưng chính phủ vẫn nắm quyền, vì thế tôi đang đợi quyết định của họ".
Hôm 9/12, Thủ tướng Yingluck cho biết không thể đáp ứng yêu sách của người biểu tình, tuyên bố giải tán quốc hội và sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào đầu năm sau.
Với việc Yingluck vẫn sẽ là đại diện tranh cử của Pheu Thai, đảng cầm quyền được dự đoán sẽ tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, bởi sự ủng hộ đông đảo của tầng lớp lao động dành cho Thaksin.
Phe ủng hộ nhà tài phiệt này đã giành chiến thắng trong tất cả các cuộc chạy đua kể từ năm 2001, và gần đây nhất là chiến thắng áp đảo của đảng Pheu Thái năm 2011. Đảng Dân chủ đối lập đã không thể giành được đa số phiếu trong suốt hai thập kỷ qua.
Cuộc tổng tuyển cử năm sau dự kiến tiêu tốn khoảng 3,8 tỷ baht, tăng 400 triệu baht so với cuộc bầu cử năm 2011 vì số lượng cử tri tăng lên. Hiện có khoảng 48 triệu người Thái Lan có đủ tư cách tham gia bỏ phiếu.
Nguồn Vnexpress.net